Mỗi diễn ngôn thông qua các status trên Facebook của cô ấy đều thu về cả nghìn likes, lượt tương tác rất cao.
Nếu chịu khó search trên các công cụ tìm kiếm như Google thì những nội dung nuôi dạy trẻ mà cô ấy chia sẻ mỗi ngày không mới. Nó là những nội dung được "xào nấu" từ những nguồn có sẵn trên internet, chỉ cần gia công chế biến một chút xíu sẽ cho ra lò những nội dung như "cách dạy con như người Do Thái", "nuôi dạy thế nào để trẻ thành công hơn"... Hoàn toàn không xuất thân từ các khoa sư phạm mầm non, tâm lý học trẻ em... nhưng con bạn tôi kiếm được nhiều tiền từ những status khoác màu áo chuyên gia nuôi dạy trẻ như thế.
Khi tạo được sự ảnh hưởng nhất định và có một lượng fan riêng, bạn tôi bán khoá học online lẫn offline và thu được khối tiền từ những bà mẹ bỉm sửa mang suy nghĩ: Cứ học đi, không bổ ngang cũng bổ dọc mà có lẽ ít người chịu tìm hiểu vị chuyên gia sắp sửa lên lớp giảng bài cho mình là ai.
Thật ra để thu hút được một lượng fan như thế, bạn tôi ít nhiều cũng có sự đầu tư và tài năng nhất định. Đó là tài ăn nói khéo léo, biết tạo sức ảnh hưởng và nắm bắt được tâm lý của phụ nữ có con nhỏ. Thấy bạn là KOL và kiếm được tiền cũng mừng cho bạn. Tuy nhiên có điều làm tôi khá băn khoăn là nếu ai cũng rao giảng những điều không là chuyên môn của mình, một ngày nào đó sẽ gieo rắc những kiến thức sai lệch đến cho cộng đồng thì hậu quả sẽ ra sao?
Sự bùng nổ của internet ở nước ta trong giai đoạn 2010-2020 là vô cùng mạnh mẽ. Nó làm thay đổi hoàn toàn cách thức giao tiếp và đón nhận thông tin của mọi người. Nếu như trước đây, chỉ có những chuyên gia (bác sĩ, giảng viên, nhà kinh tế) mới có cơ hội xuất hiện trước công chúng (thông qua phương tiện báo đài) và chịu trách nhiệm về những phát biểu của mình thì bây giờ nhờ nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube) ai cũng có thể khoác lên mình một chiếc áo chuyên gia.
Bởi thế mới có những cơ hội cho hàng loạt "giang hồ mạng" có cơ hội trình diễn trước nhiều người: Khá "Bảnh" làm hàng loạt những clip mang những tuyên ngôn về đạo lý, tình nghĩa anh em giang hồ. Huấn "Hoa Hồng" livestream nói về những cuốn sách tự xuất bản với nội dung dạy kiếm tiền, dạy làm giàu.
Nhiều sinh viên cũng rơi vào cạm bẫy đa cấp với ảo tưởng không học đại học cũng thành công. Lợi dụng tâm lý của nhiều bạn trẻ chuẩn bị vào đời là muốn kiếm nhiều tiền nhưng ít bỏ công sức, nhiều "chuyên gia" tự xưng đã rao bán những khoá học đầu tư tiền ảo bitcoin, đầu tư tài chính... Nhưng cay đắng thay, nguồn tiền kiếm được của những chuyên gia này đến từ học phí (vài trăm hoặc vài triệu đồng) của những sinh viên theo học chứ không phải thu lời bất cứ dự án đầu tư nào mà họ đang dạy.
Nếu như mất tiền theo học những chuyên gia khoá làm giàu còn có cơ hội để nhận ra sai lầm và sửa chữa thì nghe theo những lời "chuyên gia sức khoẻ", "chuyên gia dinh dưỡng" sẽ để lại bài học to lớn, có khi là sinh mạng. Để bán được hàng, nhiều vị "chuyên gia" này còn hùng hồn tuyên bố có thể giảm cân mà không tập thể dục, chỉ cần uống trà detox hoặc các "thực phẩm" giúp giảm cân là có thể lấy lại vóc dáng sau 1-3 tháng. Rồi có người còn hùng hồn tuyên bố bị ung thư không nên chữa bằng hoá trị, xạ trị mà chỉ cần thực dưỡng thì ung thư tự khắc tan biến. Hậu quả khi tin theo những phương pháp chữa bệnh vô căn cứ khoa học của những chuyên gia mạng đã có nhiều, tôi xin phép không nhắc lại.
Thế mới thấy, khi trình độ dân trí của đám đông không bắt kịp sự phát triển của internet là một thảm hoạ. Một nhóm người sẽ lợi dụng độ mở của internet, mạng xã hội để tha hồ tô vẽ cho bản thân và khoác lên mình chiếc áo chuyên gia rồi gieo rắc những thông tin lệch lạc, phản khoa học.
Đối với nhiều người có trình độ thấp, khi hụp lặn trong mớ thông tin hỗn độn trên mạng kiểu "vàng thau lẫn lộn" như thế thì ai nói gì họ cũng sẽ tin. Tức là chỉ biết tiếp nhận mà không chịu suy xét, điều tra ngọn ngành kỹ lưỡng. Một đồn mười- Mười đồn trăm những bài viết và video lệch lạc của những chuyên gia mạng thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hà