Đây là bài học vỡ lòng của mọi đứa trẻ mẫu giáo ở Việt Nam. Nhưng đôi lúc ngồi trong một căn-tin trường đại học hay một quán cà phê ven đường, nghe nhiều bạn trẻ nam nữ nói chuyện mà luôn miệng buông ra các lời chửi tục, chửi thề một cách hồn nhiên mà tôi phải giật mình thon thót. Tôi tưởng mình đang ngồi giữa một phiên chợ với các tay anh chị đang sẵn sàng lao vào quyết chiến với nhau giành gật địa bàn.
Ngoài đời là vậy, còn trên không gian mạng thì còn khủng khiếp hơn. Dạo một vòng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, YouTube dễ dàng thấy đủ mọi thành phần già trẻ lớn bé, doanh nhân, học giả, trí thức tự xưng, ca sĩ, blogger văng tục một cách hồn nhiên đến nỗi tôi đọc mà tôi cảm thấy rùng mình. Tại sao nhiều người không còn những lời lẽ tốt đẹp để nói chuyện với nhau hay sao mà phải buông những lời lẽ thô tục đến như vậy.
Bài viết cùng tác giả:
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
>> Chừng nào còn làm may mặc, lắp ráp công nhân Việt còn nghèo
>> 'Du lịch Việt nhàm chán do sản phẩm không được đầu tư chất xám'
Tôi có cảm giác những người chửi thề càng to, càng bạo thì càng trở thành tâm điểm của cuộc nói chuyện. Những chia sẻ (trên mạng xã hội) càng bậy bạ, tục tĩu, chửi càng hăng càng nhận được nhiều lượt like, share của cộng đồng.
Thực tình tôi luôn có một suy nghĩ các từ ngữ thô tục chỉ được thốt ra từ những con người kém cỏi vô học, dù họ có giàu về tiền của hay cao sang về địa vị. Những lời chửi tục, chửi thề giống như những chiếc gai nhím xù lên để bảo vệ sự kém cỏi bên trong họ.
Khi còn nhỏ mặc dù khá nghịch ngợm và ương bướng, tôi không bao giờ dám chửi thề, chửi tục như nhiều bạn đồng trang lứa. Nếu ai trong chúng tôi vi phạm có thể bị thầy cô giáo hay ông bà cha mẹ phạt ngay. Thói quen đó theo tôi và hầu hết những người bạn của tôi đến tận ngày hôm nay, điều mà thực sự nhiều người trong chúng ta luôn mong muốn các thế hệ sau này vẫn tiếp tục thực hiện.
Trong cuộc sống thực sự không nhiều người thích sinh sống, giao du những kẻ ăn nói thô lỗ, tục tĩu. Ông chủ, người quản lý không muốn thuê những người luôn miệng chửi thề, nói tục. Những kẻ chửi thề, nói tục đã vô tình làm cho người khác dè chừng và xa lánh mình.
>> Nhiều người Việt chửi thề, nói tục để xả stress?
Giáo dục cho trẻ em nói lời hay ý đẹp là điều cần phải được các cha mẹ Việt, giáo dục, nhắc nhở cái thực hiện mỗi ngày từ khi còn tấm bé. Để thực hiện được điều này cha mẹ phải noi gương cho các em cháu từ trong chính gia đình của mình, vì tính cách con cái chính là tấm gương phản chiếu tính cách của cha mẹ.
Rất mong những người lớn là những bậc cha mẹ, ông bà lưu tâm nhiều hơn đến vấn nạn này trong giới trẻ để các thế hệ tiếp theo biết dùng lời hay, ý đẹp mà đối đáp với nhau hơn là những lời xằng bậy, tục tĩu đang tự do hoành hành trong cuộc sống cũng như trên mạng xã hội như hiện nay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.