Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giải thích thụ thể là các phân tử protein, nằm trên màng tế bào hay nằm trong tế bào chất của tế bào. Nó là nơi gắn kết nhiều loại phân tử tín hiệu khác nhau. Tế bào nào mang ACE2 đều dễ bị nCoV tấn công.
Các tế bào mang thụ thể ACE2 có nhiều ở đường hô hấp, trong thận, não, tim, gan. Vị trí tế bào mang ACE2 nhiều hơn cả là các vi mạch, thành mạch máu. Virus tấn công vào những vị trí này sẽ tạo thành phản ứng. Một trong những phản ứng tệ hại là đông máu trong các vi mạch.
"Tình trạng đông máu trong các vi mạch phổi gây suy hô hấp nghiêm trọng. Nếu đông máu ở cơ quan phủ tạng khác, cơ quan phủ tạng ấy mất tưới máu sẽ mất chức năng do không được nuôi dưỡng, dẫn đến hội chứng suy đa phủ tạng", bác sĩ phân tích.
nCoV cũng có thể gây tổn thương và suy đa phủ tạng ở tất cả mọi người dù có bệnh nền hay không. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có bệnh nền, ví dụ suy thận mạn, virus tấn công vào thận khiến suy thận nặng hơn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết những bệnh liên quan tới hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, bình thường có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào, đặc biệt là bệnh lý suy tim hay là suy thận mạn. Trên nền các cơ quan bị suy chức năng, tình trạng mất cân bằng sẽ xảy ra, có thể dẫn đến rối loạn đông máu.
Một người nhiễm nCoV, trong ngày thứ 7, 8, thậm chí ngày thứ 15, virus tấn công mạnh nhất vào các cơ quan cơ thể. Nhiều trường hợp mắc kèm bệnh nền nặng, không thể cứu được.
Thời gian qua, nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng kèm nhiều bệnh nền. 24 ca tử vong, độ tuổi 33 đến 87, đều mắc các bệnh nền như suy tim, ung thư, suy thận mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp... và Covid-19. Suy thận là bệnh lý nền phổ biến nhất ở các bệnh nhân Covid-19 tử vong. Trong 24 người, có tới 14 người suy thận mạn.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu sống được bệnh nhân. Thực sự đó là nỗi đau!", bác sĩ Cấp, đang chi viện Bệnh viện Trung ương Huế điều trị bệnh nhân Covid-19, chia sẻ.
Thúy Quỳnh - Chi lê