Trong 18 bệnh nhân Covid-19 tử vong, có 13 người mắc bệnh thận mạn tính, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các bệnh nền.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết suy thận mạn tính là sự suy giảm chức năng lọc của thận dưới mức bình thường, thường xuyên, kéo dài trên 3 tháng, không hồi phục. Đây là hậu quả của các bệnh thận, tiết niệu mạn tính làm cho các đơn vị thận (nephron) vị xơ hóa và mất chức năng không hồi phục. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận mạn là do đái tháo đường và tăng huyết áp.
Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là các biện pháp thay thế thận: lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng hoặc ghép thận. Chạy thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ) là phương cách duy nhất đối với các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Thường mỗi bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo tối thiểu là 3 lần mỗi tuần, mỗi ca chạy kéo dài khoảng 4 giờ.
Có rất nhiều nguy cơ sức khỏe đối với người mắc suy thận mạn tính. "Nếu bệnh nhân suy thận mạn không may bị nhiễm Covid-19 thì nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Tình cho biết.
Người suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo thì mỗi tuần bệnh nhân ít nhất có 3 ngày phải đến các bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Một người lớn khỏe mạnh, mỗi ngày cần một lượng từ 1,5 đến 2 lít nước đưa vào cơ thể để duy trì các hoạt động bình thường: đào thải chất độc, điều hòa thân nhiệt, quá trình trao đổi chất... Nước sau đó sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể chủ yếu qua đường nước tiểu, một phần rất nhỏ qua mồ hôi và hơi thở. Với người suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận chu kỳ, đa số đều ở trạng thái vô niệu, tức thận không còn khả năng bài tiết nước tiểu, không còn khả năng đào thải chất độc.
Lúc này, lượng nước đưa vào cơ thể qua ăn uống hằng ngày (khoảng 2 lít) sẽ tích trữ lại trong cơ thể, cùng với đó là các chất độc được sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Chạy thận nhân tạo sẽ giúp đào thải lượng nước dư thừa trong cơ thể bệnh nhân, đào thải chất độc và cân bằng các chất điện giải. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần thì thời gian sống thêm được 5-10 năm.
Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối thường kém, suy giảm miễn dịch, phải đối diện với các biến chứng thường gặp như nhiễm độc, phù phổi cấp, đột quỵ não... Ngoài ra, do suy giảm sức đề kháng nên người bệnh suy thận mạn thường dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Khi bị nhiễm trùng thì thường rất khó điều trị.
Chưa kể, vì một lý do nào đó mà bệnh nhân không được chạy thận nhân tạo đúng lịch, tính mạng sẽ bị đe dọa bởi các biến chứng như: thừa nước gây phù phổi cấp, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhiễm độc do các chất độc tăng cao trong máu.
Ngoài việc phải chạy thận nhân tạo, đa số bệnh nhân suy thận mạn đều có các bệnh lý phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp nên thường phải sử dụng thêm các thuốc để điều chỉnh các bệnh phối hợp đó. Nền sức khỏe của bệnh nhân vốn đã suy giảm, lại càng bị suy giảm thêm do các bệnh phối hợp.
"Covid-19 giống như giọt nước tràn ly, làm cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân suy thận mạn càng thêm trầm trọng", bác sĩ nói.
Ngoài suy thận mạn, những người mắc các bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn, ung thư... rất dễ tiến triển nặng, thậm chí tử vong nếu không may mắc Covid-19. Bởi lẽ, số bệnh nhân này hằng ngày phải thường xuyên sử dụng thuốc điều trị bệnh lý nền, chịu đựng các đợt bùng phát của bệnh, đối mặt với các biến chứng của bệnh ở giai đoạn cuối nên chất lượng sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng, khi mắc Covid-19 sẽ rất khó chữa trị.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhóm dễ bị tổn thương nhất và cần phải được quan tâm đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ, người đang mắc các bệnh lý mạn tính.
Bác sĩ Tình khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ tử vong cho nhóm này khi không may mắc Covid-19, đặc biệt là phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và những người xung quanh, ngoài các biện pháp điều trị tích cực, cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa.
Bệnh nhân phải được bố trí điều trị trong các buồng bệnh cách ly khép kín, đảm bảo thông khí tốt, tách biệt với các khu vực điều trị bệnh nhân thông thường. Nếu điều kiện cho phép, nên bố trí mỗi bệnh nhân một buồng bệnh để công tác điều trị, chăm sóc được thuận lợi. Các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc men sử dụng cho bệnh nhân cũng phải được bố trí riêng để phòng lây nhiễm.
Bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ, khi mắc Covid-19 cần phải được cách ly để điều trị. Máy chạy thận, quả lọc thận, dịch lọc đều phải bố trí riêng, tốt nhất là sử dụng quả lọc dùng một lần (không tái sử dụng quả lọc). Bệnh nhân sau khi hết ca chạy thận phải được kiểm tra sức khỏe và bố trí phòng ở riêng biệt để phòng lây nhiễm cho mọi người xung quanh.
Thúy Quỳnh