Nghiên cứu mới dựa trên những phát hiện trước đây về mục tiêu tấn công của nCoV như thông qua phân tử protein ACE2 với sự trợ giúp của enzyme TMPRSS2.
Nhóm nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard phát hiện các ACE2 có thể được hệ miễn dịch kích hoạt, mở cánh cổng xâm nhập cho virus.
Các nhà khoa học nhấn mạnh vào tác động của interferon (IFN), một loại protein có tác dụng cảnh báo tế bào về sự hiện diện của virus, có thể kích hoạt gene mã hóa ACE2 và tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào nhiều tế bào hơn.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cell hôm 21/4.
Theo tiến sĩ Jose Ordovas-Montanes của bệnh viện Nhi Boston, người đứng đầu công trình: "ACE2 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người khỏi rất nhiều dạng tổn thương phổi. Khi lượng ACE2 tăng lên sẽ tạo ra một phản ứng sinh chất nhầy. Do nCoV nhắm tới protein này, chúng tôi cho rằng nó có thể lợi dụng chính sự tăng cường để xâm chiếm cơ thể".
Các chuyên gia phối hợp Mạng lưới Nghiên cứu Human Cell Atlas Lung Biological Network, cho biết có ba loại IFN thì hai loại tác dụng kích hoạt ACE2 trên bề mặt tế bào đường hô hấp trên ở người.
Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh vào tác động của IFN lên phân tử protein ACE2 và cung cấp thêm bằng chứng về việc nCoV, cũng như nhiều loại virus khác, đã biến đổi để lợi dụng cơ chế này.
Để xác định các tế bào có nguy cơ, các nhà nghiên cứu tập trung vào các tế bào biểu hiện cả ACE2 và TMPRSS2, vốn chiếm chỉ dưới 10% số lượng tế bào trong hệ hô hấp và tiêu hóa.
"Khi đã biết tế bào nào có thể bị lây nhiễm, chúng ta có thể đặt câu hỏi về việc chúng hoạt động như thế nào? Các tế bào này có chứa điều gì quan trọng đối với vòng đời của virus?", tiến sĩ Jose cho hay. Bằng việc hiểu rõ cơ chế ở cấp độ tế bào, các nhà khoa học có thể dễ dàng tìm kiếm các loại thuốc sẵn có, tiềm năng nhắm đích vào toàn bộ quá trình, làm tiền đề cho các thử nghiệm trên chuột và linh trưởng trong tương lai gần.
IFN đã được nghiên cứu để chữa Covid-19 và từng được thử nghiệm lâm sàng để điều trị hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS), căn bệnh cũng gây ra bởi chủng virus corona.
Trong một báo cáo xuất bản trên ScienceDirect đầu tháng 4, các nhà nghiên cứu tại Pháp cho biết điều trị bằng IFN tuýp 1 với SARS và MERS không hiệu quả. Song họ đặt kỳ vọng vào thuốc trong đại dịch lần này.
Tiến sĩ Jose cũng nhấn mạnh cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để biết được độ an toàn và hiệu quả của IFN đối với người mắc Covid-19.
"Ở một số bệnh nhân, tùy vào thời điểm và liều dùng, IFN có thể kiềm chế được virus, hoặc làm cho phản ứng nhiễm trùng nặng hơn. Chúng ta cần hiểu hơn về sự cân bằng giữa hai yếu tố này và tìm cách đạt được hiệu quả kháng virus nhưng không làm tăng thêm số lượng tế bào mà mầm bệnh có thể xâm nhiễm", ông nói.
Linh Phan (theo SCMP)