Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc cho biết dự án Nam Thủy Bắc Điều, hệ thống vận chuyển nước lớn nhất thế giới, đưa nước từ miền nam lên miền bắc Trung Quốc xuyên qua lòng sông Hoàng Hà, được thử nghiệm thành công ngày 25/8. Đợt thử nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá quá trình vận hành toàn bộ 155 đơn vị và đưa toàn bộ đại dự án vào hoạt động.
Trung Quốc mất 50 năm kể từ khi lên ý tưởng đến bắt đầu thực hiện dự án này. Khi dự kiến hoàn thành vào năm 2050, Nam Thủy Bắc Điều được kỳ vọng sẽ chuyển gần 50 tỷ mét khối nước mỗi năm tới các vùng đô thị ở phía bắc.
Đại công trình sẽ nối bốn con sông chính của Trung Quốc gồm Trường Giang (còn gọi là Dương Tử), Hoàng Hà, Hải Hà và sông Hoài, với ba tuyến vận chuyển nước chính từ nam tới bắc, qua các khu vực miền đông, trung tâm và miền tây Trung Quốc.
Dự án hoàn chỉnh ước tính có chi phí khoảng 62 tỷ USD, gấp đôi so với đập Tam Hiệp từng gây tranh cãi của Trung Quốc.
Thiếu nước từ lâu là một vấn đề gây đau đầu ở miền bắc Trung Quốc, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp và nông nghiệp. Nguồn nước ngầm ở đây bị khai thác quá mức để phục vụ nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp, khiến nhiều vùng nông thôn rơi vào tình trạng thiếu nước. Nước ngầm cạn kiệt cũng khiến khu vực thường xuyên đối mặt nguy cơ sụt lún và bão cát.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1952 đưa ra ý tưởng chuyển nước từ miền nam, với tham vọng giảm bớt tình trạng thiếu nước ngày càng tăng ở Bắc Kinh, Thiên Tân và các tỉnh miền bắc như Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Đông.
Nửa thế kỷ sau, ngày 23/8/2002, dự án được Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt sau quá trình nghiên cứu, lập kế hoạch và thảo luận sâu rộng. Dự án bắt đầu với tuyến phía Đông vào tháng 12/2002. Một năm sau, tuyến Trung tâm được khởi công.
Một công ty trách nhiệm hữu hạn đặc biệt đã được thành lập để phụ trách xây dựng, vận hành và bảo trì dự án, với mỗi tỉnh được yêu cầu thành lập một công ty cấp nước để quản lý các vấn đề cơ sở hạ tầng và hành chính trên địa bàn của họ.
Tuyến Đông dự kiến cung cấp nước cho tỉnh Sơn Đông và miền bắc tỉnh Giang Tô trong năm 2007, nối Sơn Đông với sông Trường Giang và đưa nước về phía bắc tới đồng bằng Hoàng Hoài Hải qua kênh đào lớn Bắc Kinh - Hàng Châu.
Được chuyển hướng từ một nhánh lớn của sông Trường Giang, gần thành phố Dương Châu, nước chảy dọc theo các con sông hiện có tới dãy núi Ngụy Sơn của Sơn Đông, trước khi xuyên qua sông Hoàng Hà thông qua một đường hầm và chảy tới Thiên Tân.
Tuyến Đông dài hơn 1.155 km, với 23 trạm bơm có công suất lắp đặt gần 454 megawatt trong giai đoạn đầu tiên, để bổ sung cho 7 trạm hiện có.
Tuyến Đông cũng gồm một đường hầm dài 9 km kéo dài từ lối ra của hồ Đông Bình tới lối vào kênh đào Weilin, trong đó có một đoạn đường ống dài 634 m cùng hai đường hầm có đường kính 9,3 mét nằm sâu 70 mét dưới lòng sông Hoàng Hà.
Quá trình xây dựng từng bị trì hoãn do tình trạng ô nhiễm hóa chất công nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp, đe dọa chất lượng nước. Tuy nhiên, nước đã bắt đầu chuyển hướng tới Sơn Đông từ năm 2014 và tới Thiên Tân vào tháng 10/2017.
Tuyến Trung tâm bắt đầu được khởi công vào tháng 12/2003. Nó ban đầu được dự kiến hoàn thành trước khi khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8/2008 để cung cấp nguồn nước cho thủ đô Trung Quốc. Tuy nhiên, tới tháng 9/2008, dự án mới hoàn thành được 307 km.
Tuyến Trung tâm chuyển hướng nước từ hồ chứa Đan Giang Khẩu ở sông Hán Giang qua các kênh đào mới gần rìa tây đồng bằng Hoàng Hoài Hải, để chảy qua các tỉnh Hà Nam, Hà Bắc đến Bắc Kinh. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 1.267 km.
Dự án tuyến Trung tâm đã bị hoãn lại tới năm 2014 do mở rộng hồ chứa Đan Giang Khẩu. Tới tháng 12/2014, tuyến Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động.
Thành phố Thiên Tân gần đó cũng có thể lấy nước từ một nhánh gần huyện Từ Thủy của tỉnh Hà Bắc. Tuyến Trung tâm ban đầu được thiết kế để chuyển 9,5 tỷ mét khối nước mỗi năm và dự kiến tới năm 2030 là 13-14 tỷ mét khối. Công trình cũng bao gồm hai đường hầm có đường kính 8,5 mét, dài 7 km, với lưu lượng khoảng 500 mét khối/giây.
Trữ lượng nước giảm ở hồ Đan Giang Khẩu đã khiến các kỹ sư Trung Quốc đề xuất phương án lấy thêm nước từ hồ chứa Tam Hiệp để tăng nguồn cung.
Dự án tuyến Tây, liên quan tới công trình ở cao nguyên Thanh Hải Tây Tạng với độ cao 3.000-5.000 mét so với mực nước biển, dự kiến bắt đầu năm 2010. Tuy nhiên, tuyến này tới nay vẫn trong giai đoạn quy hoạch vì đối mặt nhiều thách thức lớn về kỹ thuật và khí hậu.
Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2050, tuyến Tây sẽ giúp chuyển 4 tỷ mét khối nước từ ba nhánh sông Trường Giang, gồm sông Tongtian, Yalong và Dadu, vượt quãng đường gần 500 km qua dãy núi Bayankala tới tây bắc Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng dự án Nam Thủy Bắc Điều là "một mũi tên trúng hai đích", vừa giải quyết vấn đề hạn hán, thiếu nước ở miền bắc, vừa khắc phục vấn đề lũ lụt ở miền nam. Khả năng tiếp cận với nguồn nước mới cũng giúp duy trì các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng ở miền bắc.
Cho đến nay, tuyến Đông và tuyến Trung tâm đã chuyển khoảng 54 tỷ mét khối nước kể từ khi đi vào hoạt động, mang lại lợi ích cho 140 triệu người, theo China Daily.
Dự án cũng được xem là một thành tựu lớn về kỹ thuật, niềm tự hào của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng kỳ vọng Nam Thủy Bắc Điều có thể trở thành công trình thu hút nhiều khách du lịch.
Tuy nhiên, đại dự án cũng gây ra nhiều lo ngại và tranh cãi trong quá trình xây dựng. Qiu Baoxing, thứ trưởng phụ trách nhà ở của Trung Quốc, từng cho rằng dự án khó duy trì và không cần thiết vì chỉ dẫn đến lãng phí tài nguyên nước.
Ma Jun, chuyên gia môi trường hàng đầu của Trung Quốc, cảnh báo dự án sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vốn đã xấu đi ở Trung Quốc và chỉ khiến các thành phố phía bắc sử dụng nước một cách vô tâm hơn. Ông cho rằng họ đã rút cạn nước ngầm vì biết các vùng ngập lụt phía nam sẽ cung cấp cho họ nước sử dụng.
Một trong những lo ngại ngay từ đầu của dự án là khả năng lây lan dịch bệnh theo dòng nước, đặc biệt là bệnh sán máng ở ốc sên, từ miền nam lên miền bắc Trung Quốc. Dự án thiết kế nhiều nhà máy xử lý nước, song nhiều nhà khoa học và chuyên gia môi trường vẫn hoài nghi hiệu quả của chúng trong ngăn chặn nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ nước.
Quá trình xây dựng các kênh đào cũng gây tranh cãi về hậu quả sinh thái nghiêm trọng, gồm xâm nhập mặn và phá hủy môi trường sống. Mùa hè năm 2013, những người nuôi thủy sản trên hồ Đông Bình, nằm tuyên tuyến Đông, đã khiếu nại rằng nước sông Trường Giang bị ô nhiễm chảy vào hồ đã khiến cá của họ chết hàng loạt.
Nông dân ở một số huyện của tỉnh Hà Bắc từng được yêu cầu chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô để bảo tồn nước cho một trong hai hồ chứa chính của Bắc Kinh. Ít nhất 330.000 người đã phải di dời để phục vụ kế hoạch xây dựng dự án.
Một số thành phố nằm dọc tuyến chuyển hướng nước buộc phải đóng cửa doanh nghiệp để lấy mặt bằng cho dự án, hoặc nhằm tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước. Điều này khiến một số địa phương đối mặt tình trạng giảm nguồn thu thuế và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn vì đại dự án chuyển nước.
Điều khiến nhiều người lo ngại hơn là dự án chuyển hướng dòng nước sẽ làm tổn hại các dòng sông quan trọng nhất của Trung Quốc, gồm Hán Giang, nguồn nước chính cho khoảng 30 triệu người, và Trường Giang, chảy qua 11 tỉnh, cung cấp nước cho 400 triệu người.
Những người quản lý dự án cho biết khi cả ba tuyến chuyển nước hoàn thành, sông Trường Giang chỉ mất khoảng 5% lượng nước đổ vào đại dương mỗi năm. Họ cũng tuyên bố chính quyền địa phương đã xây dựng các đập bổ sung để đảm bảo dòng nước xuống hạ lưu đến các thành phố như Tương Dương.
Tuy nhiên, người dân Tương Dương cho biết kể từ khi dự án được triển khai, nguồn nước sông của họ không những giảm mà còn trở nên ô nhiễm hơn.
Theo báo cáo của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington, Mỹ, đại dự án còn có thể ảnh hưởng tới nguồn nước của những con sông chảy xuống phía nam.
Trung Quốc ước tính sẽ rút 200 tỷ mét khối nước mỗi năm từ các dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng như Yarlung Zangbo, Thanlwin và sông Mekong. Khoảng 3 tỷ người sống phụ thuộc vào nguồn nước từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc.
Giới chuyên gia còn cho rằng lưu lượng dòng chảy của các con sông giảm sẽ làm chậm quá trình lắng đọng trầm tích, vốn có vai trò quan trọng đối với việc hình thành các vùng đất ngập nước giúp giảm ô nhiễm và nuôi dưỡng hệ sinh thái của sông.
"Dự án sẽ trở nên vô nghĩa nếu những vấn đề này không được giải quyết. Bạn thậm chí còn chưa giải quyết được vấn đề cũ, nhưng đã tạo ra vấn đề mới", nhà môi trường Trung Quốc Yang Yong từng nói.
Thanh Tâm (Theo China Daily, QZ)