Dự án Nam Thủy Bắc Điều, hệ thống vận chuyển nước lớn nhất thế giới, đưa nước từ miền nam lên miền bắc Trung Quốc xuyên qua lòng sông Hoàng Hà, được thử nghiệm thành công ngày 25/8. Đợt thử nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá quá trình vận hành toàn bộ 155 đơn vị và đưa toàn bộ đại dự án vào hoạt động, theo Xinhua.
Chen Jia, nhà nghiên cứu độc lập về chiến lược quốc tế, nhận định dự án sẽ góp phần tối ưu hóa nguồn thủy điện của Trung Quốc, củng cố hệ thống đối phó lũ lụt và hạn hán. Dự án gồm tuyến phía Đông, tuyến Trung tâm và tuyến phía Tây.
Tuyến Trung tâm, tuyến nổi bật nhất đóng vai trò cung cấp nước cho Bắc Kinh, bắt đầu từ hồ chứa Đan Giang Khẩu trên sông Hán Giang ở tỉnh Hồ Bắc, chạy theo hướng đông bắc tới Bắc Kinh và Thiên Tân.
Trong khi đó, tuyến phía Đông chuyển nước từ Giang Tô tới các khu vực ở phía đông Trung Quốc, trong đó có Sơn Đông. Tính đến 25/8, hơn 56 tỷ m3 nước đã được vận chuyển qua tuyến này.
Đại dự án được thử nghiệm trong bối cảnh các nguồn cung cấp nước chính là tỉnh Giang Tô và Hồ Bắc đang trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng với nhiệt độ trên 40 độ C, kéo theo hạn hán kỷ lục.
Các chuyên gia cho rằng đợt nắng nóng và hạn hán này không ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của dự án.
"Khi các công trình thủy lợi khổng lồ như vậy được thiết kế và xây dựng, các vấn đề thời tiết đều được tính đến", Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc ở Đại học Hạ Môn, nói.
Chen Jia, chuyên gia độc lập, cho rằng "ngay cả khi các tỉnh này xảy ra tình trạng thiếu nước, mạng lưới quốc gia sẽ nhanh chóng bù đắp. Do đó, nắng nóng không ảnh hưởng tới quy hoạch tổng thể và điều tiết nguồn nước của Trung Quốc".
Tuy nhiên, đại dự án Nam Thủy Bắc Điều đã gây tranh cãi ngay từ đầu. Qiu Baoxing, thứ trưởng phụ trách nhà ở của Trung Quốc, từng cho rằng dự án khó duy trì và không cần thiết vì chỉ dẫn đến lãng phí tài nguyên nước.
Ma Jun, chuyên gia môi trường hàng đầu của Trung Quốc, cảnh báo dự án sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vốn đã xấu đi ở Trung Quốc và chỉ khiến các thành phố phía bắc sử dụng nước một cách vô tâm hơn. Ông cho rằng họ đã rút cạn nước ngầm vì biết các vùng ngập lụt phía nam sẽ cung cấp cho họ nước sử dụng.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia môi trường cả trong và ngoài Trung Quốc cũng từng bày tỏ lo ngại về tác động môi trường của ba tuyến dẫn nước. Họ cho rằng những kênh này có thể làm lây truyền vi sinh vật có hại từ miền nam Trung Quốc tới miền bắc.
Hoạt động xây dựng các kênh dẫn nước cũng tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng về hệ sinh thái, trong đó có hiện tượng xâm nhập mặn và phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật, theo báo cáo của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington, Mỹ.
Ngụy Sơn Trung, thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc, trong hội nghị hồi tháng 6 cho biết Bắc Kinh đang tăng cường xây dựng các công trình bảo tồn nước, với hơn 10.600 dự án mới trị giá 60,3 tỷ USD được khởi công trong 5 tháng đầu năm. Số liệu thống kê cho thấy đầu tư vào thủy lợi ở Trung Quốc trong năm nay kiến vượt 800 tỷ nhân dân tệ (hơn 120 tỷ USD).
Hồng Hạnh (Theo Global Times)