Thứ hai, 27/1/2025
Thứ năm, 18/8/2022, 16:06 (GMT+7)

Sông dài nhất Trung Quốc khát nước

Nắng nóng kéo dài và ít mưa khiến Trường Giang, con sông dài nhất Trung Quốc, trở nên khô hạn dù đang vào mùa mưa.

Khúc sông Trường Giang chảy qua huyện Vân Dương, thành phố Trùng Khánh, cạn trơ đáy, để lộ mặt đất nứt nẻ. Hạn hán và mực nước sông xuống thấp đang ảnh hưởng tới 36.700 hecta hoa màu và 600.000 người dân ở Trùng Khánh.

Các khu vực thuộc đồng bằng Trường Giang và dọc lưu vực sông đang chật vật vì nắng nóng và khô hạn từ đầu mùa hè tới nay. Trong hơn hai tháng, nhiệt độ cao ảnh hưởng tới mùa màng, đe dọa ngành chăn nuôi và buộc nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào thủy điện ở tây nam Trung Quốc phải đóng cửa để đảm bảo nguồn điện sinh hoạt cho các hộ gia đình.

Đoạn sông Cám ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, cạn nước, để lộ nhiều cồn cát vì khô hạn ngày 15/8.

Sông Cám dài 991 km, là một trong 7 chi lưu lớn của sông Trường Giang. Đây là con sông lớn nhất tỉnh Giang Tây, chảy theo hướng nam bắc xuyên qua tỉnh. Sông Cám , chủ lưu dài 751 km, lưu vực diện tích 83.500 km2.

Lưu vực sông Trường Giang. Đồ họa: CGTN.

Lá khoai môn héo vàng dưới nắng nóng ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải khoảng 300 km về phía nam.

Trung Quốc nhiều lần cảnh báo đất nước đang đối mặt với tình trạng gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có nắng nóng và hạn hán kéo dài vì biến đổi khí hậu.

Một em bé đi lại trên một nhánh sông Cửu Khê ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 14/8, khi nhiệt độ ở thành phố lên tới 41,8 độ C, mức cao nhất từng ghi nhận từ năm 1951.

Cai Wenjiu, chuyên gia tại Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Australia (CSIRO), cho rằng đợt nắng nóng cực đoan năm nay ở Trung Quốc có thể bắt nguồn từ "hiện tượng đặc biệt" do vùng áp cao từ khu vực cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương kéo qua phần lớn châu Á.

Một con vịt kiếm ăn trên dòng sông khô hạn ở Trùng Khánh. Khi nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C, 51 con sông trong thành phố ngừng chảy, 24 hồ chứa cạn đáy.

Trùng Khánh là một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, tách ra từ tỉnh Tứ Xuyên năm 1997. Thành phố có dân số hơn 30 triệu người, GDP năm 2018 là 307,7 tỷ USD, tương đương Pakistan.

Mực nước ở sông Gia Lăng chảy qua thành phố Trùng Khánh lúc 16h ngày 15/8. Hơn 600.000 người ở 31 quận huyện tại Trùng Khánh đang bị ảnh hưởng vì hạn hán, theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Trùng Khánh.

Tỉnh Tứ Xuyên ngày 17/8 thông báo đóng cửa phần lớn các nhà máy sản xuất phân bón và chất bán dẫn, những ngành công nghiệp ngốn nhiều điện nhất, để ưu tiên nguồn điện cho hộ gia đình, văn phòng và công sở.

Thủy điện chiếm khoảng 80% công suất điện của Tứ Xuyên, nhưng lưu lượng nước sông Trường Giang và các nhánh cạn kiệt khiến sản lượng điện suy giảm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân khi nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C trong khu vực.

Lượng mưa trung bình ở Tứ Xuyên năm nay thấp hơn 51% so với những năm trước, theo Xinhua. Một số hồ chứa khô cạn sau khi nước từ các nhánh sông lớn giảm hơn một nửa. Bộ Thủy lợi Trung Quốc cảnh báo hạn hán trên toàn lưu vực sông Trường Giang "ảnh hưởng xấu" tới nước ngọt cho người dân nông thôn và gia súc, cũng như sự phát triển của cây trồng.

Tàu chở hàng chạy qua khu vực sông Trường Giang ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngày 15/8. Ngày hôm sau, mực nước sông đo ở trạm Hán Khẩu trong thành phố hạ xuống mức 17 mét, thấp hơn 6,7 mét so với cùng kỳ những năm trước.

Sóng nhiệt năm nay ở Trung Quốc đã kéo dài sang ngày thứ 65, là đợt nắng nóng dài nhất, khắc nghiệt nhất từ khi chính quyền bắt đầu ghi nhận dữ liệu năm 1961. Hơn 260 trạm thời tiết ghi nhận mức nhiệt từ 40 độ C trở lên, trong đó 8 trạm ghi nhận mức nhiệt hơn 44 độ C. Trung tâm dự báo thời tiết cảnh báo nắng nóng và nền nhiệt cao sẽ duy trì tới ngày 26/8 ở lưu vực Tứ Xuyên và các khu vực rộng lớn ở miền trung Trung Quốc.

Tàu bè trên sông Trường Giang ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Nhiệt độ cao và lượng mưa thấp ở lưu vực sông Trường Giang làm giảm dòng chảy trong mùa mưa năm nay.

Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc yêu cầu các địa phương bị hạn hán lên kế hoạch duy trì nguồn cung cấp nước cho người dân.

Đoạn giao giữa sông Trường Giang và hồ Bà Dương, hồ nước ngọt có diện tích bề mặt rộng nhất Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây. Mực nước của Trường Giang và Bà Dương năm nay đều thấp hơn 4,7 mét so với năm ngoái.

Để tăng cường nước cho hạ lưu, đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất Trung Quốc, ngày 16/8 thông báo sẽ xả thêm 500 triệu m3 trong 10 ngày tới. Lưu lượng nước ở Tam Hiệp trong tuần này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Mực nước thấp làm lộ đáy đoạn sông Trường Giang chảy qua thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Bộ Tài chính Trung Quốc hồi đầu tuần thông báo gia súc tại những khu vực bị hạn hán sẽ được chuyển đi nơi khác, cam kết cung cấp gói hỗ trợ thiên tai trị giá 44,3 triệu USD cho những người bị ảnh hưởng.

Người dân thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, ra sông hóng mát trong ngày nóng nực. Cuối tháng 7, mực nước sông Trường Giang chảy qua Nghi Xương giảm xuống mức 42,61 mét, thấp nhất kể từ mùa hè năm 1890.

Ảnh: VCG