Từng là nạn nhân của những vụ bạo lực thời còn là học sinh, và thường là bạo lực hội đồng, chỉ vì có đôi lần nói lỡ lời hay hơi to một chút, tôi rất thấu hiểu cảm giác của những nạn nhân giống như mình. Chúng ta có lẽ cũng đã được đọc, được nghe, có thể là đã được chứng kiến một vài, hay rất nhiều câu chuyện như thế.
Và chiều nay, tôi lại tiếp tục đọc được một câu chuyện về một người chồng, người cha làm nghề shipper nghi bị đánh tử vong vì khúc mắc trong việc giao đơn hàng trị giá 375.000 đồng. Đã có ba người bị bắt vì liên quan đến vụ việc, và còn có thể nhiều hơn nữa, nghĩa là nạn nhân đã có thể bị một đám đông tấn công chỉ vì một nguyên nhân không quá lớn. Xin không bàn tới nội dung của vụ việc, vì còn cần các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Trong bài viết này, tôi chỉ xin chia sẻ những suy nghĩ của mình về cách hành xử của người với người.
Tôi thấy mình rất may mắn vì đã trải qua những trận đòn vô lý một cách bình yên vô sự. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thường nhớ tới những khoảnh khắc ấy, khi bản thân đã nghĩ đến những điều tồi tệ nhất, ở trong một hoàn cảnh bất lực nhất. Nhưng nạn nhân trong câu chuyện tôi kể trên lại không may mắn được như vậy, vì chỉ sau một vài giờ bị tấn công, anh đã không bao giờ tỉnh dậy nữa, để lại một người vợ và một con gái mới 5 tuổi.
Anh bị cha mẹ bỏ từ nhỏ, sống nhờ ông bà, cuộc sống rất khó khăn. Mới đây anh đưa cho vợ 1,5 triệu để mua quần áo cho vợ và con gái, vợ anh cũng mới mua ba bộ quần áo mới cho anh, có lẽ vì quá bận, vì muốn dành cho năm mới, anh cũng chưa mặc thử. Những điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Cuộc sống của anh vốn đã khó khăn, giờ đây sẽ là một nỗi buồn dài vô tận với hai người thân của mình, cho tới tận sau này. Chúng ta thể quên nhiều thứ, nhưng tình cảm gia đình, gắn bó trong huyết thống luôn rất sâu đậm, nỗi buồn sẽ ở lại rất lâu.
>> Em tôi thích dùng nắm đấm sau mỗi trận đòn roi của bố mẹ
Có lẽ những từ "giá như" đang hiện hữu trong đầu những người đã tấn công nạn nhân. Giá như họ có thể kiểm soát được hành động, rằng "đó chỉ là một giây phút nóng giận", rằng "chắc chắn mình sẽ không làm như thế, nếu như được quay trở lại"... Sau một thời gian nữa, có lẽ trong số họ vẫn có những người có một cơ hội để làm lại, có thể vẫn sẽ có một gia đình để trở về, nhưng với nạn nhân thì không, đằng sau những cú đấm trút giận đêm hôm ấy, là cuộc đời của một con người đã chấm dứt vĩnh viễn, và cuộc sống của hai người nữa bị đẩy vào một hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều.
Lẽ ra, người chồng ấy đã có thể hoàn tất những đơn hàng cuối năm để tích lũy thêm một vài triệu đồng trang trải cho gia đình, lẽ ra anh đã được mặc những bộ quần áo mới vợ vừa mua cho để đi chúc tết hàng xóm và người thân, lẽ ra cô bé con sẽ được bố chở đi chơi vào những ngày đầu năm, được công kênh trên vai, khi em vào lớp 1, sẽ được bố ngồi bên cạnh để dạy đánh vần tên của mình... Những điều bình thường ấy, sẽ không bao giờ có nữa cả. Đó là vết thương không thể lành.
Tôi tự hỏi, tại sao chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách văn minh mà con người đã dày công gây dựng và gìn giữ hàng nghìn năm qua? Chúng ta luôn tự hào mình về những gì đã làm được? Vậy tại sao có thể tàn nhẫn đến như vậy?
Tôi tin rằng ngoài kia vẫn còn nhiều người không may trở thành nạn nhân của bạo lực, rất cần được bảo vệ. Còn đối với những ai đã, hoặc đang có ý định tấn công một ai đó, vì bất kỳ lý do gì, cũng xin hãy dừng lại đôi chút, tỉnh táo để suy nghĩ về những điều tiếp theo có thể xảy ra - không chỉ là với mình. Đằng sau mỗi con người, sẽ luôn là những câu chuyện dài. Xin hãy trân trọng cuộc sống này.
Trước đó, 22h ngày 17/1, anh Trần Thành - nam shipper 32 tuổi ở thôn Nhơn Thọ 1 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), có tranh cãi với ai đó về một đơn hàng (tổng trị giá 375.000 đồng) đã giao nhưng chưa hoàn tất thanh toán nên lấy xe máy qua nhà khách đòi tiền. Sau đó, hai bên có tranh cãi, anh Thành bị nhiều người vây đánh. Nạn nhân lấy xe máy chạy thì tới khúc ngã ba đường gần nhà tiếp tục bị nhóm người lạ chặn đánh. Trở về nhà trong tình trạng bầm tím cả người, hơn một giờ sau nam shipper qua đời.
- 'Học sinh chơi vơi giữa bạo lực học đường'
- Cầu thủ Việt giữa lằn ranh đá rắn và bạo lực
- Nhiều người đang 'lãng mạn hóa' bạo lực
- Bạo lực là giải pháp khi giáo viên bất lực
- Bạo lực học đường lan rộng vì 'xin lỗi là xong'
- Dạy dỗ học sinh bằng bạo lực