Trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên hồi tháng 3/2020, Nam Phi là một trong những nơi áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới trong 35 ngày nhằm ngăn nguy cơ bệnh viện quá tải.
Lệnh hạn chế cấp 5, cấp cao nhất, cấm người dân tập thể dục, mua sắm (trừ đi siêu thị), buộc trường học đóng cửa, áp lệnh giới nghiêm từ 19h tới 5h sáng, không bán rượu hay thuốc lá, chỉ cho phép nhân viên thiết yếu ra ngoài.
Tuy nhiên, mọi thứ hiện tại có vẻ trái ngược, dù Nam Phi được coi là điểm nóng của đợt bùng phát biến chủng Omicron. Nam Phi hiện chỉ duy trì các biện pháp hạn chế cấp 1, cấp thấp nhất, và chưa có dấu hiệu sẽ sớm nâng cấp mức độ phản ứng.
Với lệnh hạn chế cấp độ 1, lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ nửa đêm tới 4h sáng, các cơ sở kinh doanh và địa điểm tập trung đông người phải đóng cửa trước 23h, người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng và duy trì giãn cách xã hội. Các sự kiện thể thao ngoài trời được giới hạn dưới 2.000 khán giả và đám tang không quá 100 người.
Số ca Covid-19 ở Nam Phi đang tăng nhanh. Ngày 27/11, nước này ghi nhận 3.220 ca nhiễm mới. Tới 3/12, số ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần, lên 16.055 ca. Nam Phi đã báo cáo hơn 90.000 người chết vì Covid-19 và chỉ 25% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Bất chấp những con số nghiệt ngã này, nhiều người dân Nam Phi, với sự ủng hộ của chính phủ, vẫn duy trì cuộc sống như bình thường.
"Biến thể mới dường như lây truyền nhanh hơn, nhưng số ca nhập viện của chúng tôi không tăng với tốc độ báo động. Đó là lý do tôi nói rằng chúng ta không nên hoảng loạn", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói ngày 4/12.
Trung tâm thương mại Access Park ở Kenilworth, Cape Town những ngày gần đây tấp nập người mua sắm Giáng sinh, khiến cổng vào bị ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nhiều người đã đeo khẩu trang, dấu hiệu cho thấy họ vẫn lưu tâm tới làn sóng Omicron.
"Tôi không thấy sợ hãi như thời gian phong tỏa năm ngoái", Sharon Kockott, 56 tuổi, cho hay. "Chúng tôi từng phải ở trong nhà suốt nhiều tuần. Tôi giờ đã tiêm vaccine đầy đủ và không nghĩ biến chủng mới nguy hiểm như mọi người tưởng tượng".
Những suy nghĩ như của Kockott có thể một phần do Nam Phi có tỷ lệ miễn dịch tự nhiên tương đối cao. 59% người trong độ tuổi 35-59 ở khu vực thành thị Nam Phi đã có kháng thể với virus sau làn sóng Covid-19 thứ hai kết thúc hồi tháng 3, theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Nam Phi.
Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên ở một đất nước nơi 1/5 dân số sinh sống trong các khu định cư đông đúc, nơi duy trì giãn cách xã hội gần như là không thể. Các chuyên gia thêm rằng số ca nhiễm thực tế ở Nam Phi cao hơn nhiều so với báo cáo.
"Tôi ở chung với ba người trong căn nhà gỗ hai phòng", Lulama Nobokwana, 46 tuổi nói khi đợi tiêm mũi hai vaccine tại hiệu thuốc ở Athlone, ngoại ô Cape Town. Cô không có lịch đăng ký tiêm trước, nhưng vẫn xếp hàng chờ đợi tại điểm tiêm chủng trên đường về nhà sau khi kết thúc công việc dọn dẹp thuê.
Sau khi Omicron được báo cáo cuối tháng 11, nhiều nước trên thế giới đã chạy đua áp lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Nam Phi cùng một số quốc gia phía nam châu Phi. Hầu hết người Nam Phi hiểu rằng cùng với lệnh cấm nhập cảnh, quốc gia của họ đang bị chỉ trích trên truyền thông nước ngoài vì không phản ứng đủ nhanh với biến chủng mới.
Nhưng các chuyên gia dịch tễ nói những chỉ trích này không hợp lý.
"Nam Phi có hệ thống giám sát tiên tiến để theo dõi biến chủng, nhờ kinh nghiệm đối phó với HIV và lao trong quá khứ. Nó giúp Nam Phi xác định chủng Omicron nhanh, nhưng lại bị phần còn lại của thế giới trừng phạt vì điều này", tiến sĩ Jo Barnes, nhà dịch tễ học tại Đại học Stellenbosch, Nam Phi, nói.
Tiến sĩ Barnes thêm rằng có bằng chứng cho thấy Omicron không có nguồn gốc từ Nam Phi. "Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện chủng mới, nhưng nó đã được xác định trong các mẫu trước đó ở một số nơi khác. Hành động cô lập và áp lệnh cấm đi lại với Nam Phi là phản ứng vội vàng, thiếu hiệu quả và khôn ngoan", bà nói.
Bà nhận định cuộc chiến với một mầm bệnh mới luôn biến đổi là điều khó đoán định. "Nam Phi cần phải cân nhắc hiệu quả thực sự của các biện pháp hạn chế với thiệt hại về kinh tế, nên chỉ đơn giản đang làm những gì tốt nhất có thể để ứng phó với tình hình", Barnes cho hay. "Cách Nam Phi bị đối xử sau khi báo cáo biến chủng mới thực sự là vấn đề, bởi nó có thể khiến các nước quyết định giữ im lặng nếu phát hiện biến thể mới trong tương lai".
Giới quan sát cho rằng cách người Nam Phi bình tĩnh giữa dịch có thể được xem là thái độ chấp nhận "sống chung với lũ" chứ không phải thờ ơ.
"Tuần trước, tôi đã rất sợ hãi khi thấy mình không khỏe", Fadia Samuels, chủ một hiệu cắt tóc nói khi xếp hàng tiêm mũi vaccine thứ hai tại Bệnh viện Tâm thần Lentegeur ở Mitchell’s Plain. "Tôi tự hỏi liệu mình có nhiễm chủng mới hay không, nhưng xét nghiệm cho kết quả âm tính".
Giống như Samuels, hầu hết người Nam Phi đều nhận thức rất rõ về mối đe dọa chết người của Covid-19. Nhưng ở một đất nước phải đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm HIV cao, nghèo đói và tội phạm bạo lực như Nam Phi, mối đe dọa của đại dịch không phải là mối quan tâm hàng đầu.
Tại hiệu thuốc ở Athlone, Nobokwana thừa nhận cảm thấy sợ biến chủng mới. "Nhưng hết hôm nay, tôi và gần như tất cả người xung quanh tôi sẽ được tiêm chủng. Có vẻ như những người nhiễm virus bây giờ không phải nhập viện nhiều như trước, nên tôi cảm thấy mình cũng sẽ ổn thôi", cô nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)