Với hơn 200 triệu dân, Nigeria là quốc gia đông dân nhất ở Tây Phi và là nước đông dân thứ 7 trên thế giới. Nigeria đến nay mới báo cáo 1.600 ca tử vong vì Covid-19, trong khi con số này ở Mỹ là gần 600.000 người.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này không đồng nghĩa Covid-19 không tìm đến Nigeria và các nước châu Phi khác, mà chỉ là "cơn ác mộng chưa đến".
"Nigeria thực sự dễ bị tổn thương. Quốc gia này có rất nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ", Ngozi Erondui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Toàn cầu thuộc Viện Chatham ở Anh, nói.
Trước khi hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ hai, Ấn Độ được xem là khá may mắn khi thoát kịch bản tồi tệ nhất của đợt bùng phát đầu tiên, dù có nhiều thành phố đông đúc, các biện pháp y tế cộng đồng hạn chế và hệ thống chăm sóc sức khỏe chắp vá. Đất nước này chỉ báo cáo 160.000 ca tử vong tính đến tháng 11/2020, tương đương tỷ lệ 11 người chết/100.000 dân.
Nhưng tới tháng 4, biến chủng mới dễ lây nhiễm B.1.617 xuất hiện và lan khắp đất nước, khiến ca nhiễm và tử vong tăng theo cấp số nhân. Tính tới hiện tại, quốc gia Nam Á đã ghi nhận hơn 250.000 người chết, tỷ lệ tử vong tăng lên 18/100.000 dân.
David Axe, biên tập viên của Daily Beast, nhận định nCoV là "kẻ cơ hội", luôn săn tìm các cộng đồng đông đúc và không được bảo vệ. nCoV có khả năng đột biến hai tuần một lần nếu tiếp tục lây lan trên quy mô lớn, để tạo ra một biến chúng mới ngày càng lây truyền nhanh và dễ dàng hơn.
Thảm kịch của Ấn Độ là một minh chứng cho điều này. Đợt bùng phát thứ hai trầm trọng được cho là bắt nguồn từ các lễ hội tôn giáo đông đúc với nhiều người không đeo khẩu trang, và chưa tới 3% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ.
Nigeria, quốc gia với nhiều thành phố đông đúc, cũng là một nước nghèo với hệ thống y tế yếu kém tương đối giống Ấn Độ. Tuy nhiên, tình hình của đất nước ở Tây Phi này thậm chí đáng ngại hơn, khi họ không có các cơ sở sản xuất vaccine như Ấn Độ và tất cả nguồn vaccine đều phải nhập khẩu.
Đến nay, chưa tới 1% dân số Nigeria được tiêm chủng ít nhất một liều và hầu như chưa có ai được tiêm đủ hai mũi.
"Tôi thấy các đám cháy Covid-19 đang hoành hành sẽ bùng phát trên khắp thế giới trong những tuần và tháng tới. Và tôi thấy lo ngại nhất về châu Phi", Lawrence Gostin, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói. "Tôi thấy cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ là dấu hiệu hàng đầu cho thấy điều sẽ đến ở các nước có thu nhập thấp và trung bình".
Lagos dự kiến nhận được 84 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và Johnson & Johnson trong những tuần tới. Nhưng lượng vaccine này chỉ đủ để 1/5 dân số Nigeria hoàn thành chương trình tiêm chủng. Để có thể tiêm cho 3/4 dân số, tỷ lệ mà các chuyên gia cho có thể đạt "miễn dịch cộng đồng", Nigeria dự kiến phải đợi tới năm 2022.
Theo bình luận viên Axe, thế giới có thể ngăn chặn thảm kịch Covid-19 tái diễn tại Nigeria, bằng cách phân phối vaccine toàn cầu công bằng hơn để có thể tạo ra "bức tường lửa" chống các đợt bùng phát ở quốc gia Tây Phi này, cũng như các nước kém phát triển khác.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các nước giàu trên thế giới ngừng tích trữ lượng vaccine dư thừa và chia sẻ nguồn lực với những quốc gia nghèo hơn.
Nguồn cung toàn cầu không phải là vấn đề lớn nhất. Mỹ, quốc gia có rất nhiều nhà sản xuất vaccine, đang có hơn 60 triệu liều chưa sử dụng đến. Vài tuần sau khi số ca Covid-19 tăng đột biến ở Ấn Độ, chính quyền Tổng thống Joe Biden hứa hẹn chuyển một số vaccine dự phòng AstraZeneca, chưa được cấp phép sử dụng ở Mỹ, tới quốc gia Nam Á này.
Đầu năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng một số đối tác đã thành lập chương trình Covax, khuyến khích các nước giàu san sẻ vaccine với nước nghèo. Mục tiêu của Covax là cung cấp 100 triệu liều vaccine cho các nước nghèo vào tháng 3, nhưng thực tế chưa đến 40 triệu liều đã được chuyển đi.
"Điều này đã khiến Nigeria và nhiều nước khác thất bại tiêm chủng", nhà nghiên cứu Erondui cho hay.
Mỹ cũng là một phần của vấn đề. Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã từ chối tham gia Covax. Cho tới tháng 2, sau khi nhậm chức, chính quyền Biden mới đảo ngược quyết định. Nhà Trắng cam kết hỗ trợ 4 tỷ USD tiền mặt, khiến Mỹ trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Covax. Đồng thời, Biden cũng tuyên bố ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ về vaccine, tạo điều kiện cho các nước tăng cường sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi kết quả của việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ có thể giúp tăng lượng vaccine cho các quốc gia cần nó. Trong khi đó, nhiều quốc gia giàu khác cũng chậm trễ hoàn thành cam kết với Covax, khiến tình hình càng thêm khó khăn và nhiều nước nghèo không thể triển khai chương trình tiêm chủng vì không có vaccine.
Theo Axe, nếu nhận được thêm nguồn cung vaccine, Nigeria có thể tránh được nguy cơ trở thành "Ấn Độ thứ hai". "Điều còn thiếu là các quốc gia dư thừa vaccine và không đánh giá cao tầm quan trọng của việc chia sẻ nó có cảm thấy cần phải nhanh chóng giúp các nước khác cần nó nhất", biên tập viên này nhận định.
Thanh Tâm (Theo The Daily Beast)