Sau khi bệnh nhân Covid-19 qua đời tại nhà, thi thể họ được các tình nguyện viên uể oải đón đi, chuyển cho nhân viên y tế chất lên xe cứu thương hoặc được người thân chở trên xe kéo tới lò hỏa táng.
Tại khu hỏa táng, nơi lửa chỉ tắt vào đêm khuya, thân nhân chờ hàng giờ để đến lượt tiễn biệt. Hình ảnh được chụp lại, quay phim hay phát trực tiếp rồi gửi đến những người thân khác đang bị cách ly trên khắp Ấn Độ. Chúng cũng được đăng lên các trang tin tức và báo chí trên khắp thế giới, đưa những bi kịch của các gia đình Ấn Độ đến với dư luận toàn cầu.
Cư dân địa phương ghi lại các đám hỏa táng từ mái nhà để cho thế giới thấy vì sao họ phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà mình. Khói và mùi chết chóc bốc lên không ngừng, dày đặc, bao phủ khắp các ngõ hẹp suốt cả ngày, len lỏi cả qua những ô cửa sổ đóng chặt.
Theo truyền thống, khi ai đó mất đi, người thân, họ hàng sẽ họp mặt lại với nhau để cùng san sẻ nỗi buồn. Giờ đây, nỗi sợ lây nhiễm Covid-19 buộc hầu hết thân nhân phải tránh xa. Nhiều đám tang không có bất cứ ai tới dự.
"Tôi thậm chí không thể cho các thành viên trong gia đình thấy những giây phút cuối cùng ấy", Mittain Panani, một doanh nhân 46 tuổi, chia sẻ. Ông và em trai mình là hai người duy nhất dự lễ hỏa táng của cha họ ở Mumbai hồi tuần trước. Mẹ ông vẫn nằm viện vì nhiễm Covid-19.
"Bạn có thể có mọi thứ: Tiền bạc, quyền lực, ảnh hưởng. Nhưng ngay cả với tất cả những điều đó, bạn vẫn không thể làm gì. Cảm giác thật đau đớn", Panani nói.
Virus lây lan nhanh đến mức không ngóc ngách nào của Ấn Độ là không bị ảnh hưởng. Nước này trong 4 ngày qua ghi nhận liên tiếp hơn 400.000 ca nhiễm mới một ngày và con số kỷ lục liên tục bị phá vỡ. Khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở New Delhi, với hơn 300 người chết mỗi ngày, theo số liệu từ chính phủ. Song giới quan sát cho rằng con số thực tế nhiều khả năng còn cao hơn thế.
"Trước dịch, tôi thường nhận 6-8 thi thể mỗi ngày", Jitender Singh Shunty, người sáng lập một tổ chức tình nguyện đang điều hành khu hỏa táng Seemapuri ở phía đông New Delhi, cho hay. "Hiện tại, tôi nhận khoảng 100 thi thể hỏa táng mỗi ngày".
Thông qua tổ chức của mình, Shunty đã cung cấp dịch vụ hỏa táng giá rẻ, thậm chí miễn phí cho người nghèo suốt 25 năm qua. Khi nhu cầu tăng lên, đội ngũ nhân viên của Shunty gặp không ít khó khăn. Họ đã phải lập thêm hàng chục giàn hỏa thiêu mới trên cánh đồng gần kề.
Theo truyền thống Hindu giáo, hỏa táng là phương pháp an táng được ưa thích đối với người chết, giúp linh hồn được thoát khỏi "xác phàm". Mỗi ngày, Shunty đều cặm cụi giúp vận chuyển thi thể và sắp xếp hỏa táng, thay áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay hàng chục lần. Ban đêm, ông ngủ trong xe hơi. Vợ và con ông đang ốm ở nhà. Ba tài xế cũng bị virus tấn công. Quản lý của ông đang nằm trong phòng chăm sóc tích cực.
"Nhưng vẫn còn lại 16 người chúng tôi và chúng tôi vẫn làm việc ngày đêm", Shunty nói. "Bây giờ là 8h30 sáng, tôi đã nhận được 22 cuộc gọi nhờ đến đón thi thể rồi".
Sau khi hoàn thành lễ hỏa táng, người thân được hướng dẫn lấy tro cốt ngay lập tức nhằm tránh nhầm lẫn. Tro cốt vô thừa nhận, theo lời Shunty, sẽ được lưu giữ hai tháng rồi rải xuống sông Hằng.
"Lửa bốc lên ngùn ngụt từ các giàn thiêu, mọi người mặc đồ bảo hộ và thi thể được gói kín trong các túi nhựa. Cảm giác như ngày tận thế vậy", nhà sản xuất phim Dimple Kharbanda mô tả. Cô tuần trước vừa từ Mumbai bay đến New Delhi để tổ chức tang lễ cho người cha quá cố của mình.
Dharamvir Kharbanda, cha Dimple, một doanh nhân về hưu, không nhiễm Covid-19 nhưng các nghi thức tang lễ của ông cũng bị hủy bỏ vì đại dịch. Con gái ông đã phải cầu xin người thân không tới Delhi nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm. Thay vào đó, họ xem buổi hỏa táng qua video call.
"Khi ai đó qua đời ở Ấn Độ, chúng tôi thường tụ tập lại nói về họ, về cuộc đời, thói quen, những điều tốt đẹp của họ. Giờ đây, ngay cả điều này chúng tôi cũng không thể làm. Khi tôi xem lễ hỏa táng qua điện thoại, tôi cảm thấy như một phần cơ thể mình đang bị cắt bỏ. Tôi muốn xoa đầu, vuốt mặt và ôm anh ấy lần cuối nhưng không thể", em gái ông chia sẻ.
Với gia đình các nạn nhân Covid-19, lễ hỏa táng có thể là điểm dừng cuối cùng của một thử thách đầy khó khăn, sau khi họ phải đưa người nhà mình hết từ bệnh viện này tới bệnh viện khác để tìm kiếm nơi chịu tiếp nhận và xếp hàng nhiều giờ chờ nguồn cung oxy.
Trước khi thi thể của Darwan Singh, 56 tuổi, được đưa tới khu hỏa táng Seemapuri, gia đình đã làm mọi thứ nhằm cứu ông khỏi cửa tử. Singh sốt triền miên. Lượng oxy trong máu đã giảm xuống 42%, mức nguy hiểm đến tính mạng. Trong hai ngày đằng đẵng, gia đình không thể tìm nổi cho ông cả giường bệnh lẫn bình oxy.
Khi tìm ra, ông được thở oxy khoảng một tiếng trước khi bệnh viện hết nguồn cung. Gia đình đưa Singh về nhà trong đêm. Ngày hôm sau, họ chờ 5 tiếng tại bãi đỗ xe của một bệnh viện khác. Gia đình đã phải hối lộ khoảng 70 USD để có được một chiếc giường cho ông nhưng đêm đó, ông qua đời, Kuldeep Rawat, cháu trai của Singh, kể.
Vì khu hỏa táng Seemapuri đã kín chỗ, bệnh viện không thể bàn giao thi thể ngay lập tức. Ngày 25/4, thi thể Singh mới được đưa lên xe cứu thương cùng 5 người khác và chở đến bãi hỏa táng.
Rawat cho biết anh phải vào trong xe cấp cứu để nhận diện chú của mình, sau đó đưa ông vào bên trong lò hỏa táng, nơi họ phải chờ 5 tiếng trước khi tới lượt. Chi phí gồm: 25 USD tiền vật liệu, trang bị cần thiết cho nghi lễ cuối cùng, 34 USD tiền gỗ, 14 USD phí cho thầy cúng và 5 USD tiền đồ bảo hộ cho thành viên gia đình.
Mẹ, vợ, con gái và con trai Singh đều nhiễm Covid-19 nên không thể tới tiễn biệt ông mà chỉ có thể xem qua điện thoại."Tôi bây giờ còn bị cách ly", Rawat nói, lo sợ rằng mình đã bị nhiễm virus khi thực hiện các nghi lễ cuối cùng cho chú.
Đối với những gia đình sống xung quanh các lò hỏa táng, việc chứng kiến khói đen nghi ngút bốc lên mỗi ngày không khỏi khiến họ cảm thấy ám ảnh và tâm trí luôn lẩn khuất với câu hỏi: "Bao giờ thì tới lượt mình?".
Tại khu dân cư Sunlight Colony sát cạnh khu hỏa táng Seemapuri, người dân phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà. Trẻ em được cho súc miệng bằng nước nóng trước khi đi ngủ và đồ giặt được sấy khô trong nhà.
"Bếp của chúng tôi ở trên lầu nhưng không thể chịu đựng nổi khi ở trong đó", Waseem Qureishi, cư dân sống gần Seemapuri, cho biết. "Nếu gió thổi hướng về phía nhà chúng tôi, mọi chuyện còn tồi tệ hơn".
Anuj Bhansal, một tài xế xe cấp cứu sống gần nhà hỏa táng Ghazipur, cũng ở phía đông thủ đô New Delhi, cho hay ông rất lo lắng cho 4 đứa con của mình.
Theo lời ông, các đám hỏa táng tại Ghazipur đã lên tới 100 ca mỗi ngày. Trẻ con trong khu phố thường kéo nhau tới một bãi rác gần đó để xem."Khi chúng nhìn lửa và khói bốc lên từ khu hỏa táng, chúng hỏi tại sao nó không kết thúc. Chúng khó có thể hiểu chuyện gì đang diễn ra", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)