"Iran sẽ không có cơ hội sở hữu hệ thống phòng không Nga và xe tăng Trung Quốc, cũng như mọi khí tài có khả năng gây nguy hiểm và bất ổn ở Trung Đông. Các nước Vùng Vịnh và Israel đều mong muốn điều này. Nó sẽ giảm nguy cơ với họ và bảo đảm an toàn cho người Mỹ", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 21/8.
Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo Washington sẽ "không ngần ngại cấm vận những quốc gia ngăn cản nỗ lực tái áp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Tehran". "Nếu phát hiện bất kỳ nước nào vi phạm lệnh cấm vận hiện tại của Mỹ, chúng tôi sẽ buộc họ chịu trách nhiệm. Điều đó cũng được áp dụng với những lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", ông nói.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Pompeo gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó cáo buộc Iran "không tuân thủ một cách đáng kể" những điều khoản của Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký với các cường quốc hồi năm 2015.
Điều này đánh dấu khởi đầu cho cơ chế tự động nối lại trừng phạt trong JCPOA, hành động vốn bị các đồng minh châu Âu của Mỹ phản đối.
Nếu Hội đồng Bảo an không phê chuẩn nghị quyết kéo dài biện pháp nới cấm vận Tehran trong 30 ngày tới, toàn bộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trước JCPOA sẽ được tái áp đặt. Mỹ có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn nghị quyết gia hạn nới cấm vận Iran.
Anh, Đức và Pháp ra thông cáo chung khẳng định không ủng hộ yêu cầu tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran do Mỹ đề xuất, cho rằng Washington không có quyền pháp lý để kích hoạt cơ chế tái cấm vận vì đã rút khỏi JCPOA từ năm 2018.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần trước bác dự thảo do Mỹ đề xuất nhằm gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran vốn hết hiệu lực vào tháng 10. Điều khoản quy định thời hạn ngừng cấm vận vũ khí với Iran được Hội đồng Bảo an đưa ra trong Nghị quyết 2231, như một phần của JCPOA.
JCPOA được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 sau 15 năm đàm phán ngoại giao. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc giảm bớt lệnh trừng phạt quốc tế.
Từ năm 2006 đến 2010, Hội đồng Bảo an đã thông qua ba nghị quyết cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Tehran xuất khẩu vũ khí, cũng như cấm các nước bán vũ khí thông thường cho quốc gia này. Các lệnh cấm vận vũ khí với Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10.
Vũ Anh (Theo Fox News)