Iran gần đây bày tỏ quan tâm tới hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, trong bối cảnh lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc với nước này sẽ hết hạn vào tháng 10.
Mỹ đã đề xuất dự thảo nghị quyết gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran, nhưng không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn. Điều này đồng nghĩa với việc Nga có thể cung cấp cho Iran các loại vũ khí hiện đại sau khi lệnh cấm vận hết hiệu lực.
"Nga có thể tìm thấy một khách hàng sốt sắng ở Iran", trang tin quốc phòng Breaking Defense nhận định, trong bối cảnh Tehran trước đây đã đầu tư vào các hệ thống phòng không hiện đại của Nga, bao gồm tên lửa S-300. Đại sứ Iran Kasem Jalali hồi tháng 7 tuyên bố rằng nước này muốn mua vũ khí của Nga "để nâng cao năng lực quốc phòng".
Mỹ được cho đã lên kế hoạch phối hợp với Israel để đối phó kịch bản Nga bán S-400 cho Iran, bao gồm tiến hành các cuộc diễn tập "tiêu diệt tên lửa phòng không tiên tiến của đối phương".
Hồi đầu tháng 8, tiêm kích F-35 của Mỹ và Israel tham gia tập trận chung có tên "Tia chớp Bền bỉ II". Đây là lần thứ hai trong năm nay các tiêm kích F-35 của Mỹ và Israel tham gia tập trận chung.
Cuộc tập trận diễn ra trên bầu trời miền nam Israel, thể hiện tình huống mà các phi công Mỹ và Israel có thể đối mặt nếu Iran mua thêm các tổ hợp phòng không hoặc tiêm kích mới từ Nga hay Trung Quốc.
Hoạt động này nhằm nâng cao "khả năng sống sót của máy bay khi đối phó hệ thống phòng không phức tạp và tiêm kích của đối phương trước khi tấn công mục tiêu dưới đất", Breaking Defense đưa tin.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Lầu Năm Góc hồi tháng 11/2019 công bố đánh giá nhận định các khí tài của Nga gồm tên lửa phòng không S-400, hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion, tiêm kích Su-30 và tăng chủ lực T-90 nằm trong danh sách quan tâm của Iran sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc hết hiệu lực.
Ngoài việc mua khí tài của nước ngoài, Iran tăng cường đáng kể năng lực ngành công nghiệp quốc phòng trong nước những năm gần đây. Tổ hợp phòng không Khordad-3 của nước này hồi tháng 6/2019 bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) trị giá 220 triệu USD của Mỹ. Iran tháng 8/2019 tuyên bố biên chế tên lửa phòng không Bavar-373 với "đặc tính vượt trội so với Patriot của Mỹ".
Căng thẳng tại Vùng Vịnh leo thang sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vốn được ký với Iran cùng 6 cường quốc năm 2015, đồng thời tăng cường trừng phạt quốc gia Trung Đông. Tình hình tiếp tục leo thang sau loạt sự kiện, trong đó có vụ Mỹ hạ sát thiếu tướng Qassem Soleimani tại Iraq khiến Iran phóng tên lửa đạn đạo trả đũa.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)