Những tranh cãi lâu nay giữa Mỹ và đồng minh liên quan đến việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran có thể là ví dụ sinh động nhất cho thấy Mỹ đang tự cô lập mình với thế giới như thế nào, thay vì cô lập Tehran như mục tiêu mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đặt ra, giới chuyên gia đánh giá.
Gần như ở tất cả các bước đi mà Tổng thống Trump đã thực hiện trong nỗ lực phá bỏ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với các cường quốc hồi năm 2015 dưới thời Obama, đều vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, kể cả từ những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu.
Hôm 20/8, sự đối đầu này đã được bộc lộ một cách công khai, trực tiếp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới New York gửi thư yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khởi động cơ chế "tự động nối lại" (snapback) các biện pháp trừng phạt lên Iran với cáo buộc nước này vi phạm một số điều khoản của JCPOA.
"Snapback" là điều khoản được Mỹ "thòng" vào thỏa thuận JCPOA, quy định các thành viên được quyền yêu cầu Liên Hợp Quốc khôi phục các lệnh cấm vận với Iran nếu phát hiện nước này vi phạm thỏa thuận. Để chống lại việc kích hoạt điều khoản này, Hội đồng Bảo an sẽ phải thông qua một nghị quyết nới cấm vận Iran trong 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Mỹ.
Việc kích hoạt "snapback" được coi là động thái quyết liệt nhất của Mỹ nhằm trừng phạt Iran tới cùng, sau khi Hội đồng Bảo an khước từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran do Mỹ đưa ra. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Mỹ có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nới cấm vận nào với Iran, khiến không ai có thể cản được cơ chế trừng phạt "snapback".
Hành động này của Mỹ phát sinh từ nỗi thất vọng rằng các đồng minh thân cận nhất đều đã khước từ nỗ lực của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới đây. Chỉ duy nhất Cộng hòa Dominica bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran.
Pompeo một lần nữa cáo buộc Iran kích động chủ nghĩa khủng bố, gây bất ổn ở Trung Đông và cố che giấu những chương trình hạt nhân và vũ khí của mình với các thanh sát viên quốc tế. Tuy nhiên, những lời lẽ gay gắt nhất từ Ngoại trưởng Mỹ lại dành cho Anh, Pháp, Đức, những nước mà theo ông là đã "chọn phe" về phía Iran.
Anh, Đức và Pháp cùng ngày ra thông cáo chung khẳng định sẽ không ủng hộ yêu cầu tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran do Mỹ đề xuất, cho rằng Washington không có quyền pháp lý để kích hoạt cơ chế "snapback" vì đã rút khỏi JCPOA từ năm 2018. Mặt khác, thực tế là việc Iran vi phạm thỏa thuận chủ yếu là nhằm đáp trả quyết định của Trump rút khỏi JCPOA.
Vấn đề lớn hơn là ngay cả khi lệnh trừng phạt "snapback" được kích hoạt, Mỹ sẽ đối mặt với tình thế không đồng minh nào sẵn sàng thực thi các biện pháp trừng phạt lên Iran. Điều đó không chỉ làm suy yếu quyền lực quốc tế của Mỹ mà còn chỉ đường cho các đối thủ lách những quyết định mà Liên Hợp Quốc đưa ra trong tranh chấp toàn cầu tương lai.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kiềm chế mọi hành động làm sâu sắc thêm chia rẽ trong Hội đồng Bảo an hay những hành động gây ra hệ quả bất lợi nghiêm trọng đối với công việc của họ", các nhà ngoại giao từ Anh, Đức, Pháp viết trong tuyên bố chung sau hành động của Ngoại trưởng Pompeo.
Theo giới quan sát, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo sẽ làm mọi thứ có thể để một lần nữa ngăn Iran tiếp cận thị trường vũ khí quốc tế. Với phe chỉ trích chính quyền, đây là biểu hiện không thể chối cãi của chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà Trump theo đuổi.
"Họ đang khiến không chỉ đối thủ mà ngay cả các đồng minh cũng chống lại chúng ta", Jon B. Alterman, chuyên gia địa chiến lược và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, nhận xét. "Tôi không thể tưởng tượng được là tại sao họ lại muốn thua một cuộc chiến như thế tại Liên Hợp Quốc".
Mỹ hai năm trước rút khỏi JCPOA với lý do thỏa thuận không thể ngăn chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran cũng như không thể cắt đứt hỗ trợ của Iran cho các nhóm khủng bố. Mỹ sau đó nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương lên Iran, đặc biệt là vào ngành xuất khẩu dầu mỏ, làm suy yếu nền kinh tế nước này.
Iran vẫn tiếp tục tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thêm 14 tháng kể từ lúc Mỹ rút. Song với áp lực từ trong nước khi nền kinh tế bị ảnh hưởng và tức giận bởi thỏa thuận không thể giữ vững, Tehran bắt đầu có các động thái vi phạm thỏa thuận.
Anh, Pháp, Đức đã bị bỏ rơi trong nỗ lực duy trì thỏa thuận, làm nảy sinh những bất bình đối với Mỹ và thúc đẩy nhận thức rằng Washington là một đối tác không đáng tin cậy.
Hồi tháng một, sau khi Iran bắt đầu làm giàu nhiên liệu hạt nhân vượt quá giới hạn trong JCPOA, các quan chức châu Âu đã chính thức cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận. Nó kích hoạt cơ chế tranh chấp là một phần của thỏa thuận năm 2015. Một nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an cho biết cơ chế tranh chấp trên phải được giải quyết trước khi bất kỳ lệnh trừng phạt quốc tế nào được nối lại.
Những cuộc đàm phán giữa châu Âu và Iran vẫn diễn ra nhưng không có thời hạn hoàn thành. Các nhà ngoại giao châu Âu được cho là sẽ trì hoãn đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, với hy vọng rằng nếu Trump thất cử, nước Mỹ dưới thời Biden sẽ có chính sách mới đối với Iran.
Nhưng Ngoại trưởng Pompeo không chờ đợi. Ông nói rằng điều khoản "snapback" trong JCPOA cho phép Mỹ hành động, bất kể họ có rút khỏi nó hay không.
Tuy nhiên, Wendy R. Sherman, trưởng đoàn đàm phán Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, cho rằng Washington "không đủ tư cách" yêu cầu nối lại các lệnh trừng phạt và ít có khả năng thuyết phục các nhà ngoại giao châu Âu tin vào họ.
Theo bà, Mỹ có thể làm suy yếu quyền lực của chính mình, nhất là nếu họ kiên quyết thách thức các cường quốc khác, bao gồm cả đồng minh, những nước từ chối thực thi lệnh trừng phạt mà họ yêu cầu. "Đây là vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng", Sherman nhận xét.
Cuộc tranh cãi về vấn đề tái áp đặt trừng phạt lên Iran đã tạo ra một liên minh kỳ lạ giữa Iran và châu Âu, liên minh mà Tehran dựa vào đó để khiến Mỹ bị "gậy ông đập lưng ông" với chiến dịch cô lập của họ.
"Mỹ không nên thử vận may. Họ sẽ lại bị bẽ mặt thôi", phó đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht-Ravanchi tuyên bố.
Tại Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Pompeo bác bỏ khả năng Mỹ đối đầu với đồng minh vì vấn đề Iran. Các nhà ngoại giao khác thì so sánh Mỹ và các quốc gia khác giống như những vũ trụ song song, ở đó Washington khăng khăng đòi tái áp đặt trừng phạt Iran, trong khi phần còn lại của thế giới từ chối. Kịch bản đó có thể tạo ra những tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều năm tại các tòa án trên khắp thế giới, khi các công ty hay cá nhân làm ăn với Iran thách thức những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Washington áp đặt lên Tehran.
Nhưng viễn cảnh đó có lẽ vẫn không đủ sức nặng để ngăn chính quyền Trump gây sức ép với Iran.
"Chúng ta phải giữ áp lực lên họ", Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới chính quyền Trump, tuần qua nói với nhóm Đoàn kết chống Chương trình Hạt nhân Iran trong một diễn đàn. "Chúng ta có thể vượt qua những gì đang diễn ra tại Liên Hợp Quốc".
Vũ Hoàng (Theo New York Times)