Phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ tang cố thủ tướng Nhật Bản ngày 27/9, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cáo buộc Trung Quốc "thực hiện các hành vi gây rối trên biển Hoa Đông và Biển Đông", cũng như "các hoạt động khiêu khích trên eo biển Đài Loan".
"Mỹ tin rằng hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan là yếu tố quan trọng của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", bà Harris nói. "Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên biển, trên không mà không nản lòng hay nao núng ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép".
Chiến hạm Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan trong các chiến dịch tự do hàng hải. Các hành trình di chuyển như vậy thường kéo dài 8-12 tiếng và quân đội Trung Quốc cũng điều lực lượng giám sát.
Phó tổng thống Harris cho hay Mỹ phản đối "nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm kiểm soát đảo Đài Loan", cũng như cam kết hỗ trợ liên tục của Washington đối với hòn đảo.
"Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc", bà Harris nói. "Nhưng chúng tôi dự đoán Bắc Kinh tiếp tục hành vi gây hấn khi họ cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng".
Trung Quốc chưa bình luận về tuyên bố của Phó tổng thống Mỹ.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Trung Quốc chỉ trích dữ dội các chuyến đi qua eo biển Đài Loan của chiến hạm Mỹ, gọi đây là hành vi "khiêu khích và phô trương", "phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, cũng như gây ra rủi ro an ninh trong khu vực".
Căng thẳng tại eo biển Đài Loan leo thang sau chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8. Quân đội Trung Quốc sau đó đã tổ chức đợt tập trận với quy mô chưa từng có quanh đảo Đài Loan, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh sử dụng vũ lực với hòn đảo.
Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại. Trung Quốc từng cảnh báo quan hệ giữa nước này với Mỹ "sẽ bị phá vỡ nếu không xử lý đúng cách vấn đề Đài Loan".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)