Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần qua được coi là cơ hội để các nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, trao đổi về quan ngại an ninh của nhau và tìm biện pháp cải thiện quan hệ, khi căng thẳng không ngừng gia tăng trong năm qua. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra lại là các phát biểu chỉ trích nhau giữa lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, khiến thế đối đầu càng thêm căng thẳng.
Trước khi Đối thoại Shangri-La diễn ra, các điểm nóng đã bùng lên khắp khu vực. Cuối tháng 5, một tiêm kích Trung Quốc bị tố có "hành động hung hăng không cần thiết" khi áp sát và tạt đầu máy bay trinh sát Mỹ hoạt động trên Biển Đông. Cuối tuần qua, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kêu gọi Bắc Kinh nối lại kênh đối thoại quốc phòng với Washington, một tàu chiến Trung Quốc đã chạy cắt mặt, suýt va chạm với khu trục hạm Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã không tổ chức bất kỳ cuộc gặp riêng nào bên lề Đối thoại Shangri-La, ngoài một cái bắt tay và cuộc chào hỏi chớp nhoáng trước bữa tối ngày 2/6. Căng thẳng giữa hai nước đã làm lu mờ các cuộc thảo luận.
"Một cái bắt tay thân mật trong bữa tối không thể thay thế cho cam kết thực chất", ông Austin thừa nhận ngày 3/6.
Trong phát biểu tối 2/6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói ông lo ngại đối thoại Mỹ - Trung "đổ vỡ" có thể gây ra phản ứng dây chuyền "gây hậu quả tồi tệ cho thế giới". Tướng Yoshihide Yoshida, tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cảnh báo cộng đồng quốc tế đang ở thời điểm "bước ngoặt" với bóng ma chiến tranh rình rập châu Á. Hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đề cập đến "nguy cơ thảm họa đang đến gần".
Trong các bài phát biểu riêng, cả ông Austin và ông Lý đều nhấn mạnh mong muốn tránh xung đột và thúc đẩy ổn định. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra những thông điệp nắn gân nhau.
Ông Lloyd Austin nói "chúng tôi không muốn xung đột hay đối đầu, nhưng chúng tôi sẽ không lùi bước trước những hành động bắt nạt hay gây sức ép". Trong khi đó, ông Lý phàn nàn về tham vọng "bá quyền" của một cường quốc mà ông không nêu tên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố Washington không cố tạo ra một NATO mới ở châu Á thông qua quan hệ đối tác sâu sắc với một số cường quốc khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo những nỗ lực thiết lập các liên minh giống NATO sẽ đẩy châu Á vào "vòng xoáy tranh chấp và xung đột".
Theo Ishaan Tharoor, bình luận viên các vấn đề đối ngoại của Washington Post, hầu hết đại biểu dự Đối thoại Shangri-La hưởng ứng những tuyên bố của ông Austin, khi ông dường như muốn hạ nhiệt căng thẳng vào thời điểm này.
Trong phiên đối thoại sáng 3/6, ông Austin nhấn mạnh Mỹ không muốn thay đổi hiện trạng quanh Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh xem là một phần lãnh thổ, và nói rằng Mỹ tin xung đột trong khu vực "không phải là tình huống sắp xảy ra hay không thể tránh khỏi".
Ông cũng kêu gọi Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đối thoại thực chất hơn với Washington. "Càng trao đổi nhiều, chúng ta càng có thể tránh những hiểu lầm và tính toán sai lầm có thể dẫn tới khủng hoảng và xung đột", ông nói.
Bec Shrimpton, giám đốc chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận xét Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có bài phát biểu "mạnh mẽ với các thông điệp trực tiếp và gián tiếp gửi tới Trung Quốc". Shrimpton nói ông Austin vừa nói rõ rằng "Mỹ sẵn sàng nhấc điện thoại lên đàm phán", nhưng cũng nhắc nhở Bắc Kinh rằng họ có đủ ảnh hưởng và quyền lực trong cuộc cạnh tranh ở bất cứ lĩnh vực nào Trung Quốc lựa chọn.
Ông Lý đăng đàn ngày hôm sau, đưa ra những lời phản bác thẳng thừng với thông điệp của ông Austin. Sau khi ông Austin đề cập việc 'bảo vệ trật tự quốc tế" của Mỹ, ông Lý nói rằng "cái gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ không bao giờ nói cho bạn biết các quy tắc đó là gì và ai đã tạo ra nó".
Giới quan sát nhận định theo cách nói của ông Lý, Trung Quốc mới là quốc gia bảo vệ các chuẩn mực và ổn định khu vực, trong khi Mỹ là bên can thiệp.
Đề cập tới Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích chính quyền hòn đảo kích động "các hoạt động ly khai" và tuyên bố Đài Loan chắc chắn sẽ "trở về với đại lục". Bình luận về sự cố tàu chiến suýt va chạm ở eo biển Đài Loan, ông Lý nói việc các tàu hải quân Mỹ và đồng minh thực hiện hải trình qua tuyến đường biển chiến lược này không phải là "đi qua vô hại" và là hành động gây căng thẳng.
"Đi qua đó có lợi ích gì? Người Trung Quốc chúng tôi thường nói rằng 'đừng chõ mũi vào chuyện của người khác'", ông Lý nói.
Giọng điệu gay gắt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã dẫn tới những phản ứng dữ dội. Jay Tristan Tarriela, phó tư lệnh cảnh sát biển Philippines, đã chỉ trích thông điệp của ông Lý, viện dẫn những hành động gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Ông Lý nói về sự tôn trọng lẫn nhau, kiềm chế và chống lại chủ nghĩa bá quyền. Nó pha trộn lắm thứ hơn cả món bánh mì nướng kaya mà tôi đã ăn bữa sáng hôm qua", Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, đề cập tới món ăn có sữa dừa, lá dứa và kem sữa trứng phổ biến ở đảo quốc này.
"Tôi đã tham dự các kỳ Đối thoại Shangri-La hơn một thập kỷ qua và nhận thấy phát biểu của các đời bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán, nhưng thông điệp ông Lý đưa ra là cứng rắn nhất. Chúng ta thường nghe về chiến lược tấn công quyến rũ của Trung Quốc, nhưng bài phát biểu này không quyến rũ", Michael Fullilove, giám đốc điều hành Viện Lowy ở Australia, nói.
Ankit Panda, nhà nghiên cứu của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói rằng ẩn ý trong bài phát biểu của ông Lý là Trung Quốc tin "Mỹ về cơ bản không phải cường quốc ở châu Á và do đó nên từ bỏ hiện diện trong khu vực". Ông nói cuộc đối đầu ở Shangri-La "có thể trở thành bình thường mới khi quan hệ Mỹ - Trung hạ xuống mức thấp mới".
"Cả hai nước sẽ sử dụng những diễn đàn như này để nói về các vấn đề cạnh tranh và chia sẻ tầm nhìn của họ về an ninh khu vực", ông cho biết.
Mark Esper, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, cho rằng việc thiếu đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc đang là rào cản ngăn hai bên thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng.
Ông dẫn chứng khi máy bay không người lái Mỹ va chạm với chiến đấu cơ Nga trên Biển Đen hồi tháng 3, ông Austin đã nói chuyện với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu ngay sau đó. Tuy nhiên, khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào đầu tháng 2, Trung Quốc từ chối đề nghị điện đàm của ông Austin.
"Chúng tôi từ lâu đã có kênh liên lạc giữa các lãnh đạo Nga và Mỹ ở cấp độ quân sự và dân sự. Cơ chế liên lạc này đã được thiết lập từ nhiều thập kỷ trước. Song chúng tôi không có điều đó với Trung Quốc", ông nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây chia sẻ ý tưởng về khả năng "tan băng sớm" trong quan hệ Mỹ - Trung. Song kịch bản đó khó có thể xảy ra trong thời gian tới vì Trung Quốc cho rằng các điều khoản đối thoại bất lợi cho họ, theo Ivy Kwek, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Khủng hoảng Toàn cầu.
Bà Kwek thêm rằng đó là điều đáng lo ngại với khu vực vì đại đa số các nước châu Á coi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.
"Không ai ở châu Á muốn sống dưới cái bóng của những gã khổng lồ. Họ đều muốn được tận hưởng ánh mặt trời", chuyên gia Fullilove nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Nikkei Asia)