Giới lãnh đạo Bắc Kinh nhiều năm qua xem mặt trận ngoại giao là tuyến đầu củng cố vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố ngành ngoại giao cần phụng sự tầm nhìn "kỷ nguyên mới", hướng tới "công cuộc chấn hưng vĩ đại cho dân tộc Trung Quốc".
Mấu chốt trong tầm nhìn này của ông Tập là niềm tin rằng Trung Quốc sẽ vượt qua giai đoạn biến động chưa từng có tiền lệ sau cuộc cạnh tranh ý thức hệ và địa chính trị ngày càng gay gắt với Mỹ. Với mục tiêu đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2019 được tăng ngân sách khoảng 5,49%, còn mức tăng ở năm trước đó là 12,26%.
"Chúng ta cần xây dựng đội quân ngoại giao sắt đá, có ý chí chính trị vững vàng, quyết tâm không thể lay chuyển, đảm bảo năng lực cao và tinh thần thép để đưa ngoại giao đặc sắc Trung Quốc bước sang trang mới", Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh thông điệp trong cuộc trao đổi với cán bộ ngoại giao nước này hồi tháng 7.
Tuy nhiên, số liệu mới từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy từ năm 2020, nước này đang có xu hướng giảm đầu tư cho mặt trận đối ngoại. Theo báo cáo thường niên trình quốc hội Trung Quốc, ngân sách cho hoạt động ngoại giao năm 2020 đã giảm 16,47%, xuống còn khoảng 8,07 tỷ USD. Năm 2018, ngân sách cho ngành ngoại giao Trung Quốc là 9,16 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc không liệt kê cụ thể những khoản ngân sách bị cắt giảm, nhưng giải thích mức giảm này phù hợp với chủ trương "thắt lưng buộc bụng" do các lãnh đạo Trung Quốc đề ra.
Báo cáo cũng cho thấy Trung Quốc năm 2020 đầu tư 47 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại 138 nước thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), giảm khoảng 54% so với một năm trước.
Theo tổ chức tư vấn chính sách Green BRI có trụ sở ở Trung Quốc, tổng giá trị đầu tư trong BRI năm ngoái ở mức thấp nhất từ khi sáng kiến được khởi động vào năm 2013. Tổ chức này nêu một số nguyên nhân, trong đó có một số thỏa thuận bị hủy, đại dịch Covid-19 và Bắc Kinh thận trọng hơn với đầu tư ở nước ngoài.
Đầu tư cho nhân lực thế hệ kế tiếp ngành ngoại giao Trung Quốc cũng có dấu hiệu chững lại, trái ngược với lời kêu gọi "xây dựng đội quân ngoại giao" của Ngoại trưởng Vương hồi tháng 7.
Khoảng 142 cử nhân ngành ngoại giao ở Trung Quốc được tuyển về Bộ Ngoại giao trong năm 2021, mức thấp nhất trong 9 năm qua. Cơ quan này dự tính tuyển thêm 170 vị trí trong năm sau, nhưng vẫn thấp hơn so với đợt bổ sung 217 cán bộ ngoại giao vào năm 2019.
Trong khi đó, Mỹ đang thể hiện xu thế trái ngược trên mặt trận ngoại giao. Với thông điệp "nước Mỹ trở lại", chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết liệt gia tăng sức mạnh ngoại giao, thoát khỏi tư duy "nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump.
Quốc hội Mỹ duyệt chi 58,5 tỷ USD trong năm tài khóa hiện nay, tăng 10% so với năm 2020, cho hai trụ cột chính sách đối ngoại gồm Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID).
"Ngoại giao được trả về vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại và Mỹ sẽ trở lại vị thế lãnh đạo trên vũ đài quốc tế", Tổng thống Biden tuyên bố trong đề xuất chi tiêu ngân sách gửi Hạ viện hồi tháng 5.
Đội ngũ công tác nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay có khoảng 13.790 nhân sự, vượt trội con số 10.000 nhân viên toàn ngành ngoại giao Trung Quốc. Trong năm nay, chính phủ Mỹ dự kiến tuyển thêm 500 vị trí dân sự đối ngoại, cùng 70 nhân viên có chuyên môn "an ninh y tế toàn cầu" phụ trách giám sát chương trình hỗ trợ vaccine Covid-19 quốc tế.
Theo giới nghiên cứu tại Trung Quốc, nhiều vấn đề nội tại đang cản trở nỗ lực mở rộng đội ngũ ngoại giao nước này, trong đó có thực trạng phân bổ nguồn lực không đồng đều giữa các cơ quan hay cách tổ chức thiếu hiệu quả, phân công đầu việc mơ hồ.
Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Hải dương Trung Quốc, đánh giá nước này chưa phát triển đội ngũ nhà ngoại giao chuyên nghiệp và kỳ cựu như Mỹ.
Sun Yun, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson tại Mỹ, lưu ý những người làm ngoại giao ở Bắc Kinh gặp nhiều bất lợi hơn đồng nghiệp ở Washington.
Các nhà ngoại giao Mỹ có lợi thế sử dụng tiếng Anh, ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở các diễn đàn quốc tế và nhiều quốc gia. Dù giới ngoại giao Trung Quốc có thừa năng lực ngoại ngữ, họ lại thua thiệt về mặt hình ảnh do không sở hữu "ngôn ngữ toàn cầu", khi tiếng Trung chỉ thông dụng tại Trung Quốc và cộng đồng người Hoa.
"So với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ có thẩm quyền lớn hơn trong hoạch định chính sách đối ngoại", bà Sun đánh giá, cho rằng Ngoại trưởng Trung Quốc khó có được vị thế trong chính quyền như Ngoại trưởng Mỹ, người được xếp thứ 4 trong danh sách kế nhiệm tổng thống.
Wang Yizhou, chuyên gia về xây dựng năng lực ngoại giao thuộc Đại học Bắc Kinh, cảnh báo Trung Quốc cần tăng số lượng nhà ngoại giao để thực hiện các tham vọng đối ngoại của nước này, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ ngày càng gay gắt.
Ông cho rằng quy mô tuyển dụng nhân lực khiêm tốn thời gian qua là kết quả của chủ trương "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Tuy nhiên, Wang cảnh báo sự phát triển của Trung Quốc đòi hỏi chính phủ đầu tư thêm cho đội ngũ nhân sự ngoại giao để xử lý hàng loạt vấn đền này sinh giữa bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động địa chính trị và cộng đồng quốc tế gia tăng kỳ vọng với Trung Quốc.
"Dù chúng ta chưa thể sánh được với Mỹ về mạng lưới toàn cầu và tầm ảnh hưởng của đối ngoại vào thời điểm này, chúng ta vẫn tin rằng ngoại giao Mỹ đang suy giảm, còn Trung Quốc vẫn tiếp tục trỗi dậy", chuyên gia Pang nói. "Ngành ngoại giao Trung Quốc vẫn cần thúc đẩy tính chuyên nghiệp, cần các nhà ngoại giao chuyên nghiệp".
Trung Nhân (Theo SCMP)