"COVAX đã tiếp cận hơn hai tỷ liều vaccine Covid-19", Kate O'Brien, giám đốc tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuyên bố hôm 7/1. "Có thể chúng tôi sẽ bắt đầu vận chuyển các liều tiêm vào cuối tháng 1, nếu không thì chắc chắn trong nửa đầu tháng 2".
COVAX đã huy động thành công 6 tỷ USD để tài trợ quá trình vận chuyển tới 92 quốc gia đang phát triển, hạn chế hoặc không thể tự mua vaccine Covid-19, O’Brien cho biết.
Hiện các nước giàu có gồm Mỹ, Anh, quốc gia thuộc Liên Minh Châu Âu (EU) và Canada đã tiến hành tiêm chủng cho người dân.
Hôm 31/12, WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer-BioNTech (Mỹ), mở đường cho các nước nhanh chóng thông qua và phân phối. Tổ chức cũng đang xem xét phê duyệt các vaccine của AstraZeneca-Oxford (Anh) và Sinopharm (Trung Quốc).
Tới nay đã có 15 nhà sản xuất vaccine gửi dữ liệu, yêu cầu WHO phê duyệt sử dụng.
Theo phân tích tổng quan của WHO, thế giới hiện có 63 ứng viên đã được thử nghiệm trên người, trong đó 21 loại ở giai đoạn cuối cùng. 172 ứng viên khác đang được phát triển trong phòng thí nghiệm.
"Có rất nhiều vaccine Covid-19 đang được phát triển", O’Brien nhận định. "Chúng tôi tích cực xem xét dữ liệu về các loại vaccine khác, dự kiến bổ sung vào danh sách sử dụng khẩn cấp trong những tuần tới".
COVAX là dự án được thúc đẩy bởi Liên minh Vaccine GAVI, WHO và Liên minh Sáng chế Sẵn sàng trước Dịch bệnh (CEPI). Mục đích dự án nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vaccine Covid-19. Đồng thời, COVAX đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia, khi vaccine được chứng minh độ an toàn, hiệu quả và cấp phép.
Họ đặt mục tiêu phân phối ít nhất hai tỷ liều vào cuối năm 2021, tiêm khoảng 20% dân số dễ bị tổn thương ở 92 quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.
Lê Hằng (Theo Reuters, AFP)