Đội trục vớt gồm các thành viên của hải quân Mỹ sử dụng tàu lặn điều khiển từ xa CURV-21 để gắn dây nâng và dàn chuyên dụng để trục vớt xác chiếc tiêm kích tàng hình F-35C từ độ sâu khoảng 3.780 m.
Một tàu phục vụ xây dựng công trình ngoài khơi sau đó hạ cáp xuống đáy biển, gắn với giàn nâng và từ từ đưa xác tiêm kích F-35C lên khỏi mặt nước, Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 2/3.
"Máy bay sẽ được chuyển đến một căn cứ quân sự gần đó để hỗ trợ cho cuộc điều tra đang diễn ra, đồng thời đánh giá khả năng vận chuyển về Mỹ", thông cáo có đoạn. Hạm đội 7 cho biết đội trục vớt mất 37 ngày để thu hồi xác tiêm kích F-35C.
Chiếc F-35C này lao xuống biển sau khi hạ cánh không thành công trên tàu sân bay USS Carl Vinson khi thực hiện hoạt động bay theo kế hoạch trên Biển Đông ngày 24/1. Vụ tai nạn khiến 7 người bị thương, trong đó có phi công chiếc F-35C và 6 nhân viên trên tàu.
Sau vụ tai nạn, hải quân Mỹ thông báo kế hoạch trục vớt tiêm kích F-35C ở Biển Đông. Mẫu tiêm kích này chứa một số công nghệ tiên tiến nhất và một số chuyên gia cho rằng Mỹ không muốn để chúng lọt vào tay đối thủ. Bộ Ngoại giao Trung Quóc sau đó tuyên bố không hứng thú với tiêm kích tàng hình Mỹ rơi ở Biển Đông.
Một video đăng trên mạng xã hội cho thấy tiêm kích F-35C đập vào sàn đáp trên tàu Carl Vinson và bốc cháy, sau đó lao ra khỏi boong và rơi xuống biển. Các quan chức hải quân Mỹ xác nhận video này, cho biết sàn đáp của tàu Carl Vinson chỉ bị hư hại bề mặt và chiến hạm nối lại các hoạt động không lâu sau đó.
Đây là tiêm kích F-35 thứ sáu bị phá hủy trong quá trình hoạt động, không tính đến những máy bay hư hỏng do sự cố trên mặt đất, cũng là chiếc F-35 thứ hai gặp nạn khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.
Tai nạn được coi là tổn thất lớn với hải quân Mỹ, bởi mỗi tiêm kích tàng hình F-35C có giá hơn 117 triệu USD, chưa tính chi phí vũ khí đi kèm. Nếu tính cả vũ khí, giá mỗi chiếc F-35C có thể lên tới hơn 140 triệu USD.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)