"Vẫn còn một máy bay trên không chờ hạ cánh khi sự cố xảy ra. Thành quả huấn luyện được thể hiện ngay lập tức. Tôi ngỡ ngàng khi thấy toàn bộ thủy thủ trên boong tàu phản ứng nhanh chóng với tình huống khẩn cấp", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết hôm qua, khi đề cập vụ tiêm kích tàng hình F-35C gặp nạn ở Biển Đông hồi tháng trước.
Tai nạn xảy ra khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập với nhau trên Biển Đông chiều 24/1. Một tiêm kích F-35C trong quá trình hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson đã va đập mạnh với sàn đáp, bốc cháy và rơi xuống biển.
Sự cố khiến một máy bay đang chờ hạ cánh xuống USS Carl Vinson phải chuyển hướng sang tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tiếp dầu, trong khi chờ đợi thủy thủ đoàn tàu Carl Vinson dọn dẹp sàn đáp và khắc phục hậu quả.
"Chúng tôi cũng có một máy bay làm nhiệm vụ tiếp dầu phải cất cánh từ tàu Carl Vinson lúc đó. Hàng loạt phi cơ đang đỗ ở mũi tàu, nên chúng tôi phải dùng máy phóng bên sườn, buộc thủy thủ đoàn phải dọn sạch đường băng để máy bay cất cánh. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận máy bay hạ cánh chỉ trong 30-45 phút sau sự cố. Tất cả đều trở về an toàn trong đêm đó", quan chức này nói thêm.
"Một trong những điều khiến chúng tôi hài lòng là cách thủy thủ đoàn và kỹ thuật viên không đoàn trên hạm phối hợp với nhau để ứng phó bất trắc. Điều đó cho thấy quá trình huấn luyện đã giúp thủy thủ đoàn chuẩn bị một cách hoàn hảo cho mọi tình huống", đại tá P. Scott Miller, hạm trưởng tàu sân bay Carl Vinson, cho hay.
Video ghi lại màn hình hệ thống camera giám sát trên tàu sân bay cho thấy tiêm kích F-35C va đập mạnh xuống sàn đáp do phi công không kịp tăng ga trong lúc mất độ cao nhanh chóng. Nó bị gãy một bên càng đáp, bốc cháy dữ dội, trượt ngang và xoay vòng trong lúc mài dọc đường hạ cánh của tàu USS Carl Vinson rồi lao xuống biển.
Thủy thủ đoàn lập tức phun bọt chữa cháy trên sàn đáp để kiểm soát ngọn lửa, tránh nguy cơ đám cháy lan đến những phi cơ đang đỗ trên đường băng.
Giới chức Mỹ không công bố địa điểm và những lực lượng tham gia tìm kiếm chiếc F-35C, nhưng thông báo của Cảnh sát biển Nhật Bản cho thấy "chiến dịch trục vớt" diễn ra tại vùng biển ở phía tây đảo Luzon của Philippines.
Sự cố khiến 7 binh sĩ bị thương, trong đó 3 người được đưa tới cơ sở y tế ở thủ đô Manila của Philippines, số còn lại điều trị tại tàu sân bay.
Đây là tiêm kích F-35 thứ sáu bị phá hủy trong quá trình hoạt động, không tính đến những máy bay hư hỏng do sự cố trên mặt đất, cũng là chiếc F-35 thứ hai gặp nạn khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công. Tai nạn được coi là tổn thất lớn với hải quân Mỹ, bởi mỗi tiêm kích tàng hình F-35C có giá hơn 117 triệu USD, chưa tính chi phí vũ khí đi kèm. Nếu tính cả vũ khí, giá mỗi chiếc F-35C có thể lên tới hơn 140 triệu USD.
Vũ Anh (Theo USNI)