Số ca nhiễm mới cao chưa từng có này được giới chức Mỹ ghi nhận ngày 3/1, gần gấp đôi con số 4 ngày trước đó là 590.000, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Đây cũng là số ca nhiễm cao nhất thế giới mà một quốc gia ghi nhận trong một ngày, kể từ khi đại dịch bắt đầu hơn hai năm trước. Số liệu mới nâng tổng số ca Covid-19 của Mỹ lên gần 56,2 triệu.
Số ca nhiễm trên thực tế có thể còn cao hơn, do nhiều người Mỹ tự xét nghiệm tại nhà mà không báo cáo kết quả với các giới chức y tế.
Dù vậy, Mỹ chưa ghi nhận số ca nặng và tử vong tăng vọt trong đợt bùng phát mới. Đại học Johns Hopkins cùng ngày cho biết Mỹ ghi nhận thêm gần 1.700 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở nước này lên gần 828.000.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ đợt bùng phát mới liên quan biến chủng Omicron, khiến nhiều chuyến bay bị hủy, các trường học và công sở phải đóng cửa, bệnh viện quá tải và chuỗi cung ứng bị bóp nghẹt.
Bloomberg cho biết giới chức một số địa phương chậm báo cáo số ca nhiễm trong dịp nghỉ lễ năm mới có thể là nguyên nhân khiến ca nhiễm mới của Mỹ tăng vọt. Tuy nhiên, đợt bùng phát khiến giới chức Mỹ cân nhắc thay đổi một số biện pháp phòng chống dịch đang được áp dụng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã rút ngắn thời gian cách ly xuống 5 ngày với người nhiễm nCoV không triệu chứng. CDC Mỹ khuyến cáo những người này nên chờ đến khi có kết quả âm tính trước khi ra ngoài trở lại.
Một số nghiên cứu sơ bộ nhận định Omicron lây lan nhanh hơn các chủng trước, song gây ra triệu chứng nhẹ hơn. Giới chuyên gia cho rằng diễn tiến Covid-19 năm 2022 phụ thuộc vào số ca tử vong có tăng tương ứng với ca nhiễm hay không, hoặc có thêm bằng chứng cho thấy các đợt bùng phát liên quan biến chủng Omicron ít nghiêm trọng hơn.
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg, AFP)