"Khó khăn lớn nhất khi có quá nhiều ca nhiễm là nguy cơ ca nhập viện tăng vọt gây quá tải hệ thống chăm sóc y tế, ngay cả khi tỷ lệ nhập viện vì biến chủng Omicron thấp hơn Delta. Chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều ca nhiễm, vì Omicron dễ lây lan hơn Delta", chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci cho biết trên truyền hình hôm qua.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết Omicron chiếm 58,6% ca nhiễm mới được phát hiện tại nước này tính đến ngày 25/12/2021. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã 4 lần ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới hàng ngày trong tuần cuối cùng của năm 2021. Nước này vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 56 triệu ca nhiễm và hơn 847.000 ca tử vong do nCoV.
Tuy nhiên, tiến sĩ Fauci vẫn trấn an người dân Mỹ. "Omicron có thể ít gây triệu chứng nặng hơn những biến chủng trước, dựa trên những dữ liệu chúng tôi thu thập từ Nam Phi, Anh và một số thông tin sơ bộ tại Mỹ", ông nói.
CDC tuần trước rút ngắn thời gian cách ly với người mắc Covid-19 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày. Chính sách mới không yêu cầu xét nghiệm sau khi hết cách ly để xác nhận bệnh nhân đã hết khả năng lây nhiễm virus, khiến một số chuyên gia đặt dấu hỏi.
"Đã có một số lo ngại về lý do chúng tôi không yêu cầu xét nghiệm sau khi hết 5 ngày cách ly. Đó là điều đang được xem xét. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có thêm thông tin từ CDC trong vài ngày tới", ông cho hay.
Số ca nhiễm tăng mạnh đã gây gián đoạn cuộc sống của nhiều người trên khắp nước Mỹ trong kỳ nghỉ lễ cuối năm. Biến chủng Omicron buộc các hãng hàng không Mỹ hủy hàng nghìn chuyến bay trong những ngày qua, khiến rất nhiều người không thể thực hiện được ước mơ đoàn tụ với gia đình.
Các cơ sở y tế, vốn đã kiệt quệ sau hàng loạt đợt bùng phát và đang dần quá tải vì lượng bệnh nhân gia tăng, cũng đang chịu ảnh hưởng từ làn sóng dịch mới.
Trung tâm Y tế Khu vực Thủ đô thuộc Đại học Maryland tuần trước phải kích hoạt quy trình khẩn cấp, sau khi số ca nhiễm tăng vọt dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân viên và quá tải khu cấp cứu. "Nhu cầu chăm sóc hiện tại làm suy kiệt nguồn lực sẵn có của chúng tôi, trong đó có cả nhân viên y tế", đại diện bệnh viện này cho biết hôm qua.
Thống đốc bang Ohio Mike DeWine cũng điều động 1.250 lính Vệ binh Quốc gia hỗ trợ những bệnh viện đang chật vật do thiếu nhân lực.
"Hãy sẵn sàng. Cần nhớ là chúng ta sẽ chứng kiến sự đình trệ chưa từng thấy với các hoạt động xã hội trong vài tuần tới", bác sĩ Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y tế Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Baylor của Mỹ, cảnh báo.
Tổng thống Joe Biden cho biết vẫn còn hàng chục triệu người Mỹ chưa tiêm chủng và nước này đang ghi nhận số ca nhập viện gia tăng. "Nhiều bệnh viện ở một số khu vực sắp bị vỡ trận cả về nhân lực và trang thiết bị", ông nói trong cuộc họp trực tuyến với các thống đốc bang và cố vấn y tế hàng đầu hồi tuần trước.
Thế giới đã ghi nhận gần 290,4 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 5,4 triệu ca tử vong, trong khi hơn 252,6 triệu người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Vũ Anh (Theo Reuters)