"Một trong những bài học lịch sử gần đây là một khi người Nga tới nhà bạn, đôi khi rất khó để yêu cầu họ rời đi", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/1.
"Tôi cho rằng cơ quan chức năng và chính phủ Kazakhstan chắc chắn đủ năng lực giải quyết các cuộc biểu tình một cách phù hợp nhằm tôn trọng quyền của người biểu tình trong khi duy trì luật pháp và trật tự, do đó không rõ tại sao họ cảm thấy cần bên ngoài hỗ trợ", Blinken nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 7/1. Ảnh: Reuters.
Trước đó, Kazakhstan đề nghị Tổ chức Hiệp ước An tinh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu hỗ trợ trong lúc quốc gia Trung Á đối phó các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn. CSTO chấp thuận đề xuất và thông báo "triển khai có thời hạn" lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/1 khẳng định lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO sẽ không tham gia vào các hoạt động nhằm đảm bảo thực thi pháp luật và vãn hồi trật tự tại Kazakhstan theo thỏa thuận với nước sở tại. Lực lượng này sẽ bảo vệ sân bay và các cơ sở, hạ tầng quan trọng khác tại Kazakhstan.
Ngoại trưởng Blinken kêu gọi lực lượng quân sự nước ngoài và chính quyền Kazakhstan "tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế". Trong cuộc điện đàn với quyền Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi ngày 6/1, Blinken đề nghị "tôn trọng các cuộc biểu tình ôn hòa, tự do truyền thông và chấm dứt tình trạng đứt kết nối Internet".
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 7/1 tuyên bố từ chối đàm phán với người biểu tình, cho rằng đây là "điều vô nghĩa" khi các phần tử quá khích gây bạo loạn, đốt phá suốt nhiều ngày. Tokayev nói Kazakhstan đang đối phó với "những đám côn đồ có vũ trang và được huấn luyện" và cho phép lực lượng an ninh nổ súng tiêu diệt.
Trước đó, Tokayev cho hay chiến dịch chống khủng bố đã được khởi động và trật tự đã được vãn hồi ở phần lớn đất nước. Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết lực lượng an ninh triển khai chiến dịch trấn áp bạo loạn tại các tỉnh, tiêu diệt 26 phần tử vũ trang, bắt 2.300 người.

Kazakhstan và khu vực lân cận. Đồ họa: AFP.
Biểu tình bùng phát ở Kazakhstan từ đầu tháng để phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Biểu tình sau đó nhanh chóng lan rộng ra các địa phương rồi leo thang thành bạo loạn ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan.
Tổng thống Tokayev sau đó ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và đề nghị CSTO hỗ trợ Kazakhstan đối phó "các nhóm khủng bố được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài".
CSTO nhóm họp và đồng ý đề nghị cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan là điều chính đáng, do các sự kiện đang diễn ra "gây ra mối đe dọa thực sự với an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia Trung Á này.
Sau khi nhận được đề nghị, Nga điều 75 vận tải cơ hoạt động suốt ngày đêm để chuyển 3.000 binh sĩ tinh nhuệ cùng nhiều thiết giáp, khí tài đặc chủng của lực lượng đổ bộ đường không tới nước này.
4 thành viên khác của CSTO là Armenia, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng điều quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình được liên minh cử tới Kazakhstan. Đây là lần đầu tiên CSTO mở chiến dịch chung quy mô lớn nhằm hỗ trợ thành viên từ khi thành lập năm 1999.
Khí tài Nga chờ được đưa lên vận tải cơ tới Kazhakstan. Video: Zvezda.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Sputnik)