Ngay từ những ngày đầu năm mới, Kazakhstan đối mặt làn sóng bất ổn chưa từng có. Hàng nghìn người đổ xuống đường biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Biểu tình bùng phát sau khi chính phủ Kazakhstan quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi.
Hỗn loạn ở Kazakhstan nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh Trung Á, vốn có vai trò rất quan trọng với ổn định của nước Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây cũng có thể là cơ hội để Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định ảnh hưởng của Moskva đối với không gian hậu Xô Viết này.
Việc một quốc gia được coi là trụ cột ổn định ở Trung Á như Kazakhstan rơi vào hỗn loạn nhanh chóng như vậy thực sự gây sốc, Maxim Suchkov, quyền giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva, nhận xét. Nó cũng cho thấy ngoại trừ Ukraine, với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Nga vẫn là bên họ cần tìm đến khi khủng hoảng nổ ra.
Đây được coi là lý do Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã nhanh chóng kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới giúp nước này vãn hồi trật tự. Sau khi nhận được yêu cầu, Nga đã cấp tập huy động 75 vận tải cơ chở khoảng 3.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài đến hỗ trợ quốc gia láng giềng kiểm soát tình hình.
Suchkov cho rằng tình hình bất ổn ở Kazakhstan có thể được xem như "một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Putin muốn biến thành cơ hội" để thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng của Nga. Một khi quân đội Nga đến, tác động mà họ tạo ra sẽ rất lâu dài.
Trong số những binh sĩ được cử đến Kazakhstan có các thành viên Lữ đoàn 45, lực lượng đặc nhiệm nổi bật trong cuộc chiến tranh thứ nhất và thứ hai ở Chechnya. Lữ đoàn cũng từng hiện diện trong cuộc chiến tranh Nam Ossetia 2008, có mặt ở Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập vào năm 2014, và ở Syria.
Khi tuyên bố độc lập cách đây ba thập kỷ, Kazakhstan nắm giữ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ tư thế giới, trữ lượng dầu khổng lồ và ẩn chứa nhiều thách thức lẫn cơ hội đến mức ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, James A.Baker III, phải vội vã đến Kazakhstan để gặp mặt, uống rượu vodka và cùng tắm hơi với tổng thống Nursultan Nazarbayev.
Kể từ đó, Kazakhstan đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, chào đón những gã khổng lồ năng lượng Mỹ như Chevron hay Exxon Mobil đến khai thác các mỏ dầu, đồng thời trở thành một đối tác đặc biệt tin cậy với Mỹ. Trong thông điệp gửi Tổng thống Tokayev vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ "tự hào gọi Kazakhstan là bạn".
Dù vậy, trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á, Nga trên thực tế vẫn là đối thủ lớn của Mỹ, giới quan sát nhận định.
Mukhtar Ablyazov, người từng làm ăn ở Kazakhstan, cho rằng việc chính phủ Kazakhstan phải nhờ đến hỗ trợ quân sự của Nga để chống lại làn sóng bất ổn hiện nay là bằng chứng cho thấy phương Tây đã tính toán sai lầm và trao cho Moskva một chiến thắng lớn.
Theo Ablyazov, Kazakhstan đã "ru ngủ cộng đồng quốc tế" với những hứa hẹn về các hợp đồng năng lượng lớn. "Kết quả là Kazakhstan hiện nằm trong vòng ảnh hưởng của Putin, người đã tận dụng lợi thế này để mở rộng quyền lực".
Theo Steve LeVine, tác giả cuốn sách với tựa đề "Dầu mỏ và Vinh quang", một cuốn biên niên sử về cuộc đấu tranh giữa Moskva và Washington ở khu vực, kể từ sau khi độc lập, Kazakhstan đã phát triển thành một quốc gia ổn định và thịnh vượng hơn so với các nước láng giềng.
"Kazakhstan là một nền dân chủ ở Trung Á, khu vực được dẫn dắt bởi những lãnh đạo cứng rắn", LeVine bình luận.
Những lãnh đạo này đã không ít lần đối đầu với Putin vì những tranh chấp ở biên giới. Nhưng điểm yếu của họ là nỗi bất mãn nhen nhóm ở trong nước liên quan đến tình trạng tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo và khi bất ổn biến thành khủng hoảng, họ lại phải nhờ cậy hỗ trợ từ Điện Kremlin.
Alexander Cooley, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Barnard, Mỹ, cho rằng Nga không có khả năng yêu cầu Tổng thống Tokayev nhượng bộ ngay lập tức, nhưng sẽ đạt được đòn bẩy mạnh mẽ, làm đảo lộn những tính toán trước đây của Kazakhstan nhằm tránh nghiêng quá nhiều về phía Moskva hay Washington.
Trong những ngày nổ ra bạo loạn đầu tiên, lực lượng an ninh Kazakhstan hứng chịu tổn thất lớn, với 18 nhân viên an ninh thiệt mạng, 748 người bị thương, khi nhiều phần tử quá khích sử dụng vũ khí bắn vào họ. Đám đông biểu tình cũng chiếm đài kiểm soát không lưu tại sân bay ở Almaty, khiến hoạt động hàng không ở đây tê liệt.
Nhưng ngay sau khi Nga triển khai lực lượng tiền trạm đầu tiên đến Almaty, họ đã phối hợp với an ninh Kazakhstan giành lại quyền kiểm soát sân bay, tạo điều kiện cho các vận tải cơ tiếp tục đưa thêm binh sĩ, khí tài tới hỗ trợ an ninh.
Bộ Nội vụ Kazakhstan hôm nay cho biết lực lượng an ninh đã tiến hành chiến dịch trấn áp bạo loạn trên tất cả các tỉnh, tiêu diệt 26 phần tử vũ trang, bắt 2.300 người. Tình hình dường như đã đảo chiều, khi Tổng thống Tokayev từ chối đàm phán với người biểu tình, đồng thời cho phép lực lượng an ninh nổ súng tiêu diệt "những đám côn đồ vũ trang" gây bạo loạn.
Tổng thống Tokayev đã hết lời ca ngợi Nga vì nỗ lực giúp nước này kiềm chế các cuộc bạo loạn. Nhưng những hỗ trợ như vậy hiếm khi "miễn phí", đặc biệt là từ một nhà chiến lược khó nắm bắt như Tổng thống Putin, bình luận viên Andrew Higgins từ NY Times đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)