Ngay từ những ngày đầu năm mới, Kazakhstan đối mặt với làn sóng bất ổn, khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn, đẩy quốc gia Trung Á vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Điều gì gây ra làn sóng biểu tình?
Mọi thứ bắt đầu khi chính phủ Kazakhstan chấm dứt chính sách trợ giá khí hóa lỏng (LPG), một nhiên liệu carbon thấp mà nhiều người Kazakhstan sử dụng cho ôtô thay xăng. Từ năm 2019, chính phủ nước này dần giảm trợ cấp cho LPG, với mục đích để thị trường tự điều tiết giá nhiên liệu này.
Khi chính sách trợ cấp giá LPG chấm dứt hoàn toàn vào ngày 1/1, giá mặt hàng này lập tức tăng gấp đôi, từ 60 tenge (0,14 USD) lên 120 tenge (0,28 USD) mỗi lít. Biểu tình bùng phát từ ngày 2/1 ở thị trấn Zhanaozen, tỉnh Mangystau, miền tây Kazakhstan rồi lan rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, với mức độ bạo lực ngày càng tăng.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cuộc biểu tình có nguyên nhân sâu xa hơn, trong đó có nỗi phẫn nộ với tình trạng bất bình đẳng về kinh tế - xã hội ngày càng trở nên trầm trọng do Covid-19 ở Kazakhstan. Theo thống kê của chính phủ, mức lương trung bình ở Kazakhstan vào khoảng 570 USD/tháng, thu nhập của một số người còn ít hơn rất nhiều.
Phong trào biểu tình dường như đã được đẩy lên cao hơn thành làn sóng bất bình lớn về chính phủ và nạn tham nhũng tràn lan, khiến một nhóm nhỏ giới tinh hoa giàu lên nhanh chóng.
Tình hình hiện tại ở Kazakhstan đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, người lên nắm quyền chưa đầy 3 năm, và gây ra bất ổn cho khu vực Trung Á vốn đầy biến động, nơi Mỹ và Nga cạnh tranh ảnh hưởng.
Video đăng trên mạng ngày 5/1 cho thấy người biểu tình xông vào tòa thị chính ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, trong khi nhiều người khác đốt xe cảnh sát.
Người biểu tình muốn gì?
Khi làn sóng biểu tình tăng nhiệt, yêu cầu của người biểu tình cũng mở rộng hơn, từ đòi hỏi giảm giá nhiên liệu tới các yêu sách chính trị. Trong số những thay đổi chính trị mà họ tìm kiếm có yêu cầu bầu cử trực tiếp thống đốc vùng, thay vì cơ chế lãnh đạo địa phương do tổng thống bổ nhiệm như hiện nay.
Dan Bilefsky, biên tập viên của NY Times, nhận định người biểu tình Kazakhstan muốn thay đổi hoàn toàn lực lượng chính trị đang lãnh đạo đất nước kể từ khi quốc gia này giành độc lập năm 1991.
Tại sao bất ổn ở Kazakhstan tác động tới thế giới?
Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, lớn hơn toàn bộ khu vực Tây Âu, nhưng dân số chỉ có 19 triệu người.
Phong trào biểu tình, bạo loạn đang diễn ra ở nước này thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bởi Kazakhstan đến nay được coi là một trong những quốc gia hậu Xô Viết ổn định nhất, trở thành trụ cột cho ổn định chính trị và kinh tế tại khu vực Trung Á.
Nga luôn xem Kazakhstan là một đồng minh quan trọng và là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của quốc gia này tại Trung Á. Bởi vậy, Điện Kremlin có thể coi phong trào biểu tình là một thách thức với chế độ thân thiện ở quốc gia láng giềng. Đây là phong trào biểu tình thứ ba chống lại một quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Nga, sau những biến cố ở Ukraine năm 2014 và Belarus năm 2020.
Tình trạng hỗn loạn này có thể đe dọa làm suy yếu ảnh hưởng của Moskva trong khu vực, vào thời điểm Nga đang nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng ở biên giới với Ukraine. Nga cũng có thể lo ngại phong trào biểu tình ở Kazakhstan có thể tạo thêm động lực cho lực lượng đối lập ở các nước khác thuộc Liên Xô cũ.
Mỹ cũng rất quan tâm tới tình hình của Kazakhstan, khi quốc gia Trung Á này ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược năng lượng của Washington. Exxon Mobil và Chevron, hai công ty dầu khí lớn của Mỹ, đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào khu vực phía tây Kazakhstan, nơi biểu tình bùng lên đầu tháng này.
Dù có quan hệ chặt chẽ với Moskva, chính phủ Kazakhstan cũng duy trì mối quan hệ với Mỹ, cùng các khoản đầu tư vào dầu khí để đối trọng với ảnh hưởng của Nga. Chính phủ Mỹ từ lâu cũng không lên tiếng về tình hình nhân quyền ở Kazakhstan như với Belarus hay Nga.
Chính phủ Kazakhstan phản ứng thế nào?
Chính quyền Tổng thống Tokayev đã tìm cách dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp, chặn các mạng xã hội như Facebook, WhatsApp, Telegram và cả ứng dụng WeChat của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình chưa được cấp phép ở Kazakhstan đều bị coi là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, chính quyền Kazakhstan cũng đã đưa ra một số nhượng bộ với người biểu tình, như nội các đồng loạt từ chức và thông báo khả năng giải thể quốc hội, mở đường cho các cuộc bầu cử mới. Nhưng các động thái này đến nay chưa thể giúp xoa dịu tình hình.
Ai đóng vai trò lớn trong nền chính trị Kazakhstan?
Sau khi Kazakhstan giành độc lập năm 1991, Nursultan Nazarbayev trở thành tổng thống. Trong thời gian nắm quyền, ông đã thu hút các khoản đầu tư khổng lồ từ các công ty năng lượng nước ngoài để khai thác trữ lượng dầu mỏ quốc gia, ước tính khoảng 30 tỷ thùng, lớn nhất trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Năm 2019, Nazarbayev, hiện 81 tuổi, từ chức, trao quyền lực cho Tokayev, người khi đó là chủ tịch thượng viện và cựu thủ tướng kiêm ngoại trưởng.
Giới quan sát cho rằng Tokayev là người kế vị được lựa chọn cẩn thận bởi Nazarbayev, người vẫn nắm giữ quyền lực đáng kể khi giữ chức "Lãnh đạo Quốc gia" và chủ tịch Hội đồng An ninh Kazakhstan. Nhưng phong trào biểu tình bạo lực đang lan rộng có thể phá vỡ hiện trạng này.
Dù là một người trung thành với Nazarbayev, đương kim Tổng thống Tokayev vẫn cố gắng tạo ra dấu ấn mạnh mẽ cho chính mình. Theo các nhà phân tích, điều đó đã gây xáo trộn bộ máy cầm quyền và giới tinh hoa của Kazakhstan, đồng thời góp phần khiến chính phủ phản ứng chậm chạp trước yêu sách của người biểu tình.
Thanh Tâm (Theo NY Times)