"Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang ở rìa Biển Đông và chuẩn bị đi qua eo biển Malacca", quan chức hải quân Mỹ giấu tên tiết lộ hôm 4/2, nhưng không cho biết lộ trình cụ thể của các chiến hạm.
Hải quân Mỹ hôm 3/2 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz hôm 3/2 đã rời vùng hoạt động của Bộ tư lệnh Trung tâm và di chuyển đến khu vực do Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ trách. Lầu Năm Góc cho biết các chiến hạm đang hiện diện trong khu vực thuộc trách nhiệm của Hạm đội 7, sẵn sàng được huy động làm nhiệm vụ, huấn luyện hoặc diễn tập nhân đạo.
Việc rút nhóm tàu Nimitz đồng nghĩa với Mỹ không còn tàu sân bay nào hoạt động tại Trung Đông. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc không cho biết liệu Mỹ có điều thêm tàu sân bay thế chỗ USS Nimitz trong tương lai gần hay không, thêm rằng Washington chỉ có số lượng tàu sân bay hạn chế và luôn theo dõi các mối đe dọa.
Hải quân Mỹ sau đó điều động Nhóm tác chiến đổ bộ Makin Island thế chỗ nhóm tàu sân bay Nimitz tại khu vực phía bắc biển Arab, gần eo biển Hormuz. Lực lượng này gồm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island, tàu vận tải đổ bộ USS San Diego và USS Somerset, cùng 2.500 lính thủy đánh bộ và phi đoàn trên hạm gồm nhiều tiêm kích tàng hình F-35B.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran leo thang đến mức nghiêm trọng sau khi cựu tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với quốc gia Trung Đông năm 2018. Mỹ sau đó tái áp đặt các lệnh trừng phạt gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế Iran, khiến Tehran đáp trả bằng cách phá vỡ các cam kết hạn chế chương trình hạt nhân theo thỏa thuận năm 2015.
Nhóm tàu sân bay USS Nimitz tuần tra các vùng biển tại Trung Đông từ cuối tháng 11/2020 để răn đe Iran. Các chiến hạm này dự kiến rút về Mỹ cuối tháng 12/2020, nhưng Trump sau đó yêu cầu chúng tiếp tục cắm chốt tại khu vực để răn đe Tehran.
Vũ Anh (Theo USNI)