"Bộ Ngoại giao Mỹ đã đình chỉ hoạt động ở đại sứ quán tại Minsk, Belarus, đồng thời cho phép nhân viên không thiết yếu và thân nhân ở đại sứ quán tại Moskva, Nga rời đi. Chúng tôi thực hiện những bước đi này do vấn đề an ninh và an toàn, bắt nguồn từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ưu tiên cao nhất là an toàn và an ninh với công dân Mỹ, trong đó có nhân viên chính phủ và thân nhân trên khắp thế giới", Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho biết hôm nay.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga và cho phép nước này sử dụng lãnh thổ để mở mũi tấn công nhằm vào Ukraine.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 27/2 cho thấy đa số người dân Belarus ủng hộ thay đổi hiến pháp, cho phép nước này tiếp nhận vũ khí hạt nhân và lực lượng Nga triển khai dài hạn. Đợt điều chỉnh cũng cho phép kéo dài thời gian lãnh đạo của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Đại sứ quán Mỹ tại Minsk và Moskva chỉ duy trì hoạt động ở mức thấp vì các nước đã đưa ra những lệnh trục xuất nhân viên ngoại giao của đối phương suốt nhiều năm qua. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 2 cũng khuyến cáo công dân rời Belarus.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 với mục tiêu "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 5 ngày xung đột, lực lượng Nga được cho là đã chuyển sang dùng chiến thuật bao vây. Quan chức Lầu Năm Góc nhận định Nga đổi chiến thuật khi đà tiến quân chậm lại do "vấp phải kháng cự dữ dội từ quân đội Ukraine", cũng như đối mặt thách thức về hậu cần.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ cùng đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Moskva cũng như Tổng thống Putin. Các nước phương Tây hôm 26/2 nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), được coi là lệnh trừng phạt rất nặng. Moskva nhiều lần khẳng định loạt lệnh trừng phạt thể hiện sự bất lực của phương Tây.
Vũ Anh (Theo AFP)