Một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết các lực lượng Nga đã bắt đầu áp dụng chiến thuật bao vây xung quanh thành phố lịch sử Chernihiv, phía đông bắc thủ đô Kiev của Ukraine.
"Quân đội Nga đang áp dụng tâm lý bao vây, điều mà bất kỳ học viên chiến thuật quân sự nào cũng biết khi làm điều đó, nó sẽ làm tăng thiệt hại đối với cuộc sống của dân thường và cơ sở hạ tầng", quan chức này nói.
Chiến thuật bao vây thường liên quan tới hành động vây ráp đối thủ, cắt đứt các tuyến đường tiếp tế và thoát hiểm, sau đó là tấn công tổng lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/2 cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.
Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ, cho biết những động thái này của Nga là "dấu hiệu cho thấy ông Putin nhận ra quân đội của mình không hoạt động như mong đợi ở Ukraine".
Sáng 27/2, Điện Kremlin tuyên bố quân đội của họ đang tiến công vào Kharkov, một trung tâm văn hóa, công nghiệp, khoa học lớn ở miền bắc Ukraine và là nơi sinh sống của 1,4 triệu người. Tuy nhiên, đến trưa qua, các lực lượng Nga đã bị đẩy lùi sau cuộc giao tranh dữ dội.
Trước những kháng cự dữ dội từ lực lượng Ukraine và những khó khăn về hậu cần, quân đội Nga tới nay vẫn chưa kiểm soát được bất kỳ thành phố hoặc phần lãnh thổ quan trọng nào, theo một quan chức quốc phòng Mỹ.
Lực lượng Nga cũng chưa thể giành ưu thế trên không so với Ukraine. Quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quốc gia này vẫn giữ được khả năng bố trí hệ thống phòng không và tiếp tục đưa máy bay chiến đấu lên không trung.
"Chủ nhật vừa qua có lẽ là một ngày tồi tệ đối với quân đội Nga ở Ukraine. Họ vẫn đang tiến lên nhưng đã có một số video cho thấy các thiết bị bị phá hủy hoặc bỏ lại", tiến sĩ Rob Lee, một chuyên gia về quân đội Nga ở Anh, nói.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc Tổng thống Putin thúc đẩy đàm phán hòa bình với Ukraine là một dấu hiệu cho thấy kế hoạch của Nga đang không đi đúng hướng.
"Nếu Ukraine có thể làm giảm các hoạt động của Nga trên thực địa tại các trung tâm dân số lớn như Kiev và Kharkov trong vài ngày nữa, ông Putin có thể buộc phải hạ thấp kỳ vọng", cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh Philip Ingram, cho hay.
Giới quan sát từng nhận định Nga muốn "tiến nhanh, thắng nhanh" ở Ukraine. Danil Bochkov, thành viên Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nhận định đợt tấn công của Nga sẽ diễn ra chóng vánh như chiến dịch quân sự kéo dài 12 ngày ở Gruzia năm 2008 và lần sáp nhập bán đảo Crimea trong một tháng năm 2014.
Theo Bochkov, mục tiêu của Tổng thống Putin là giành một chiến thắng quân sự chóng vánh, tạo điều kiện thay đổi chính quyền Ukraine, lập nên một chính phủ thân Moskva. "Tôi cho rằng Nga sẽ tìm mọi cách kiểm soát các cơ quan chính phủ trọng yếu của Ukraine trong vài ngày hoặc vài tuần tới", chuyên gia này nói.
Nga đã đạt được một số thành quả trong chiến dịch, đặc biệt ở phía nam. Nhưng nếu không có Kiev, những lợi ích này đều trở nên vô nghĩa và khiến Nga rơi vào tình thế chiến đấu trên các mặt trận rải rác trong khi phải duy trì các lực lượng mỏng trên khắp cả nước, theo John Spencer, cựu chiến binh kiêm chủ tịch cơ quan Nghiên cứu Chiến tranh đô thị thuộc Học viện Quân sự Mỹ.
"Kiev là tất cả. Cuộc chiến này là vì Kiev. Nếu không kiểm soát được Kiev, họ sẽ thua", Spencer nói. "Trong khi đối với người Ukraine, không thua đã là chiến thắng".
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự Mỹ cảnh báo vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về quỹ đạo của cuộc chiến, khi mới qua vài ngày đầu tiên. "Người Nga sẽ rút ra bài học, dần thích nghi và cố gắng vượt qua những thách thức ở Ukraine. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế về điều đó", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói.
Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là sau những vấp váp ban đầu, Nga liệu có tấn công tổng lực, trút bom và tên lửa xuống các thành phố Ukraine, hay không. Chuyên gia Rob Lee cảnh báo rằng nguy cơ về một cuộc chiến tranh tồi tệ hơn nhiều vẫn hiện hữu ở Ukraine, khi Nga là nước sở hữu quân đội lớn, được vũ trang tốt hơn nhiều.
Trong khi các quan chức và chuyên gia nước ngoài cho rằng chiến dịch của Nga không như mong đợi, một nguồn tin tình báo có liên quan tới quan chức Nga cho biết thông điệp bên trong nước Nga là chiến dịch tạm thời dừng lại vì lý do chính trị chứ không phải do quân đội, vì Ukraine yêu cầu đàm phán.
"Những người Nga ủng hộ Tổng thống Putin vẫn tin tưởng rằng tiến độ chiến dịch có thể được nhanh chóng thúc đẩy trong những ngày tới", nguồn tin này cho hay.
Thanh Tâm (Theo Reuters, NY Times, Washington Post)