9 năm trước, Faiqullah Tajik từng là nhân viên tiệm giặt là tại Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan. Anh yêu thích công việc này và từng kiếm được 600 USD mỗi tháng nhờ nó.
Như hàng nghìn cư dân khác sống gần thị trấn Bagram, Tavik, 25 tuổi, bị cho thôi việc năm 2011, khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan. Tajik hiện quản lý cửa hàng ngay cạnh cổng chính của căn cứ quân sự, nơi bán đồ lính Mỹ bỏ lại: máy chạy bộ cũ, bi đông đã qua sử dụng, máy in hỏng và quạt máy tính. Anh cho biết giờ chỉ kiếm được 60 USD mỗi tháng.
"Nếu người Mỹ rời đi hết, tôi sẽ đóng cửa hàng này. Tôi sẽ rời khỏi đây", Tajik nói. Vì Tajik từng phải sống dựa vào căn cứ Mỹ rộng hơn 1.500 hecta này để kiếm kế sinh nhai, Taliban sẽ giết anh nếu quay lại.
Bagram từ lâu đã trở thành mục tiêu chính của Taliban, khi nền kinh tế của thị trấn hoàn toàn phụ thuộc vào căn cứ quân sự Mỹ và cung cấp lực lượng lao động địa phương cho nó.
Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đàm phán hòa bình với Taliban và có nhiều khả năng tiếp tục rút quân, Tajik cùng 80.000 dân ở Bagram cảm thấy bị tổn thương trước toan tính địa chính trị của Mỹ và số phận cuộc chiến tranh đã bước sang năm thứ 19.
"Thiệt hại của căn cứ quân sự hiện giờ là điều không đáng có. Mọi người đều không vui với hậu quả về kinh tế mà nó mang lại", Abdul Shokoor, người đứng đầu thị trấn Bagram, chỉ ra tình hình an ninh liên tục xấu đi ở đây.
Sân bay Bagram được xây dựng vào thập niên 1950 và trở thành mục tiêu tranh giành giữa Taliban với lực lượng Liên minh phương Bắc vào đầu thập niên 2000. Sau khi Mỹ đổ bộ vào Afghanistan năm 2011, căn cứ quân sự được mở rộng ra vùng ngoại ô nhỏ và được bố trí thêm đường băng, doanh trại và tiệm Pizza Hut. Thời điểm đó, căn cứ phát triển mạnh mẽ với hàng chục nghìn cư dân và binh lính sinh sống.
Ở thời kỳ đỉnh điểm cuộc chiến tranh khi hơn 100.000 lính Mỹ tham chiến ở Afghanistan, căn cứ này là nơi đóng góp 80% cho nền kinh tế Bagram, một trong 10 thị trấn của tỉnh Parwan.
Hơn 3.000 lao động Afghanistan như Tajik từng sống trong thị trấn Bagram, mỗi ngày ra vào căn cứ Mỹ để làm việc. Tajik cho biết có những buổi sáng hơn 1.000 người đứng xếp hàng ở cổng căn cứ, nhưng giờ đây khi anh tới cửa hàng của mình mỗi sáng, chỉ còn 6-7 công nhân đứng chờ ở cổng.
Bagram bắt đầu giống "ốc đảo" từ năm 2014, khi quân đội Mỹ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu và giảm số lượng binh sĩ ở Afghanistan. Do lo ngại vấn đề an ninh và dân số ở Bagram ngày một giảm, căn cứ quân sự giờ có rất ít công nhân Afghanistan, thay vào đó là các nhà thầu nước ngoài.
Shokoor cho biết bức tường giờ hoàn toàn ngăn cách căn cứ và cộng đồng dân cư xung quanh. Trước đây, lính Mỹ thường rời căn cứ vào thăm lãnh đạo thị trấn, nghe người dân phàn nàn và khiếu nại. Nhưng giờ đây, phía trong bức tường dài bằng bê tông với nhiều tháp canh, người ta chỉ nghe thấy tiếng gầm rú liên tục của máy bay, thỉnh thoảng có các vụ tấn công bằng tên lửa hoặc đánh bom.
Căn cứ thường xuyên bị tấn công. Vụ tấn công tồi tệ nhất là tháng 11/2016, khi một kẻ đánh bom tự sát trà trộn vào nhóm công nhân lẻn vào căn cứ Bagram. Vụ đánh bom khiến 4 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.
Mới đây nhất là vụ đánh bom của Taliban hôm 11/12 năm ngoái, dẫn tới cuộc đấu súng kéo dài 12 tiếng, khiến ít nhất hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Không còn công việc ổn định và lương cao trong căn cứ, nhiều người bắt đầu cắt giảm chi tiêu ở tiệm bánh mỳ hay cửa hàng xung quanh thị trấn Bagram, khiến nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa hoặc rời đi. Giống tình hình ở thủ đô Kabul gần đó, kinh tế của Bagram suy thoái buộc cư dân phải chuyển tới nơi khác ở Afghanistan sinh sống, quay về làm nông nghiệp, đầu quân cho Taliban hoặc rời bỏ đất nước.
Hàng chục xưởng phế liệu nằm la liệt xung quanh căn cứ là hình ảnh rõ nhất trong thị trấn cho thấy căn cứ quân sự giờ không còn lớn mạnh như trước. Vô số người thu mua đồ gỗ và phế liệu từ chủ thầu trong căn cứ đã thay đổi hình ảnh của thị trấn này.
Xưởng phế liệu của Sayeed Jamal Nasari tự hào là nơi sở hữu nhiều di tích của nền công nghiệp quân sự Mỹ. Đèn xe quân sự Humvee được sản xuất ở Aurora, Illinois; máy chạy sản xuất ở Plymouth, Michigan; máy xúc lật ở West Fargo, Bắc Dakota...đều nằm trong số phế liệu từ căn cứ quân sự suốt 18 năm qua.
Nasari bắt đầu thu mua phế liệu cùng cha của anh từ 17 năm trước, khi căn cứ không quân Bagram còn là những túp lều tạm với một số ít lính Mỹ truy tìm al-Qaeda ở dãy núi Hindu Kush. Gia đình anh từng phải thuê 100 lao động vào thời điểm căn cứ phát triển.
Có ngày họ mua được 15 xe tải chở đầy thiết bị hỏng, đường ống hoặc đồ gỗ từ pallet (tấm kê hàng) hoặc thùng đạn đã qua sử dụng. Số lượng phế liệu từ cuộc chiến tranh của Mỹ nhiều tới mức nơi này không có đủ không gian để đốt, chôn hoặc phá hủy tất cả chúng trong một lần.
Theo Nasari, trong quá khứ, hàng trăm cửa hàng như của Tajik sẽ thu mua đồ từ bãi phế liệu của anh. Khách hàng thường lái xe từ Kabul cách đó hơn 40 km để tìm vài món đồ cho ngôi nhà của họ. Hiện giờ chỉ còn vài chục cửa hiệu với một xe tải cung cấp phế liệu từ căn cứ mỗi ngày.
Trong thời kỳ đỉnh điểm chiến tranh, Nasari kiếm được 3.000 - 4.000 USD mỗi tháng. Năm 2014, số lính Mỹ ở Afghanistan giảm từ 26.000 quân xuống còn 10.000, anh đã kiếm được 100.000 USD phế liệu được vứt từ doanh trại của họ.
Nhưng khi số lính Mỹ và phương Tây ngày càng giảm trong khi ngày càng nhiều xưởng phế liệu mọc lên, việc kinh doanh của Nasari sụp đổ. Xưởng của anh giờ chỉ còn một công nhân cùng hai con chó đi lại quanh giữa mấy đống rác và phế liệu.
"Nếu người Mỹ rời đi hết, tôi chỉ biết ở lại và bán mọi thứ ở đây thôi. Tôi còn biết làm gì nữa đâu", Nasari nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)