Hãng dược Moderna dự kiến chuyển cho Mỹ 100 triệu liều vaccine Covid-19 vào cuối tháng 3, thêm 100 triệu liều cho tới cuối tháng 5 và 100 triệu liều còn lại vào cuối tháng 7, theo chủ tịch công ty Stephen Hoge.
John Young, giám đốc kinh doanh của Pfizer, cho biết công ty này sẽ bàn giao cho Mỹ 120 liệu vaccine đầu tiên trong tháng này, 80 triệu liều tiếp theo tới cuối tháng 5 và 100 triệu liều còn lại theo hợp đồng vào cuối tháng 7.
Johnson & Johnson, vaccine một liều được Mỹ phê duyệt hồi cuối tháng 2, sẽ chuyển 20 triệu liều đầu tiên theo thỏa thuận trong tháng này và đặt mục tiêu tới tháng 7 bàn giao đủ 100 liều theo thỏa thuận, theo Richard Nettles, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề y tế của Mỹ tại Janssen Pharmaceuticals, một bộ phận của Johnson & Johnson.
AstraZeneca, vaccine thứ tư có thể được phân phối ở Mỹ vào tháng 4 nếu được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép, cho biết công ty sẽ lập tức bàn giao 30 triệu liều sẵn có và đặt mục tiêu cung cấp đủ 50 triệu liều vào cuối tháng 4.
Theo đúng kế hoạch, Mỹ sẽ nhận ít nhất 470 triệu liều vaccine trong vòng hai tháng tới. Elizabeth Weise, biên tập viên của USA Today, nhận định Mỹ có thể sớm đối mặt nguy cơ thừa vaccine, dù hiện tại nhiều người vẫn phải điên cuồng tìm kiếm, đăng ký hoặc xếp hàng chờ tiêm vaccine.
Theo các chuyên gia, với nguồn cung vaccine dồi dào, Mỹ phải giải quyết vấn đề cấp thiết là thuyết phục những người chần chừ tiêm vaccine, nếu không muốn đối mặt tình trạng thừa vaccine.
"Khi vaccine bắt đầu có nhiều hơn, chúng tôi sẽ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ vì những gì chúng ta sẽ thấy là nhiều người không muốn tiêm", Bernadette Boden-Albala, trưởng khoa chương trình y tế cộng đồng tại Đại học California, nói.
Cho đến nay, khoảng 18% người dân Mỹ đã tiêm vaccine Covid-19. Boden-Albala cho rằng tình trạng "khủng hoảng thừa" vaccine sẽ xuất hiện ở một số khu vực ngay vào đầu tháng 4. Sau đó, thách thức sẽ lan rộng.
"Chúng ta đã thấy tất cả các bang ở Mỹ đều có người không muốn đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội, nên tôi sợ rằng chúng ta cũng sẽ thấy nhiều người không muốn tiêm vaccine", bà nói.
Các chuyên gia cho rằng thông điệp về tiêm chủng là yếu tố rất quan trọng để thuyết phục các nhóm dân số còn ngần ngại với vaccine. Họ cho rằng nhóm dễ tiếp cận nhất những người muốn bỏ qua chỉ vì thấy đăng ký tiêm chủng quá phức tạp.
Christopher Morse, chuyên gia về truyền thông y tế tại Đại học Bryant, nói rằng thông điệp cần thiết với nhóm đối tượng này là tiêm chủng nhanh chóng, dễ dàng và miễn phí.
"Bạn muốn nói với họ nó miễn phí và rất dễ đặt lịch tiêm, hãy nói theo kiểu bạn có thể chủng ngừa Covid-19 trong khoảng thời gian tương đương pha một cốc cà phê", ông nói.
Morse thêm rằng không nên nói "chúng ta có hàng tấn vaccine", bởi nó khiến mọi người cho rằng họ có thể trì hoãn tiêm chủng lâu hơn.
Một số người khác có thể bỏ qua vaccine vì không có thời gian, nên giới chuyên gia khuyên thông điệp dành cho họ tập trung vào lý do tiêm vaccine đáng để họ bỏ thời gian.
"Bạn có thể nói 'hãy tiêm vaccine và sau đó tận hưởng lễ Phục sinh bên gia đình', hoặc có thể khuyến khích mọi người tiêm chủng để có thể hát hò cùng nhau", Kelly Moore, phó giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Hành động Tiêm chủng, nói.
Chuyên gia Morse cho rằng với những người trẻ không quá lo ngại về hậu quả sức khỏe nếu nhiễm nCoV, thông điệp nên tập trung vào tác động tới cuộc sống xã hội như họ có thể tụ tập xem phim, ăn tối hoặc hẹn hò với bạn bè nếu tiêm vaccine.
Ngoài ra, các phòng khám di động, điểm tiêm chủng lưu động và thông báo từ lãnh đạo địa phương cũng góp phần quan trọng để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều cộng đồng da màu, nơi kế hoạch triển khai vaccine bị đình trệ do khó tiếp cận hoặc thái độ hoài nghi vaccine.
Tại hạt Orange ở California, giới chức huy động các nhóm tiêm chủng 8 người đi tới các trung tâm vô gia cư, nhà tù hoặc khu dân cư khó tiếp cận. "Họ chạy xe tới từng nơi mà không cần hẹn trước, sau đó tiêm cho bất kỳ ai ở đó", Margaret Bredehoft, phó giám đốc cơ quan y tế cộng đồng địa phương, cho biết.
Giới chức y tế cộng đồng Mỹ cho biết tỷ lệ chần chừ tiêm vaccine đang có xu hướng giảm, đặc biệt là trong nhóm người Mỹ da màu. Khảo sát của Pew tháng 9 năm ngoái cho thấy 49% người Mỹ không muốn tiêm vaccine, nhưng tháng trước con số này giảm xuống 30%. Trong cộng cồng người Mỹ da màu, tỷ lệ muốn tiêm vaccine là 42%, nhưng hiện tăng lên 61%, theo Pew.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi là Mỹ nên làm gì nếu nỗ lực thuyết phục người dân tiêm chủng không thể giúp giải quyết lượng vaccine thặng dư. Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một trung tâm nghiên cứu ở Washington, cho rằng Mỹ có thể chuyển lượng vaccine dư thừa cho phần còn lại của thế giới.
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ có hai lý do để cân nhắc lựa chọn này, gồm cả khía cạnh y tế và chính trị. Nếu Covid-19 tiếp tục lây lan khắp nơi, chính người Mỹ cũng sẽ gặp nguy hiểm. 94% các nước thu nhập cao đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân. Chỉ có 4 trong 29 nước thu nhập thấp nhất thế giới xây dựng kế hoạch tiêm chủng, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Trong khi Mỹ đang giữ vaccine cho người dân trong nước, Trung Quốc và Nga không ngừng thúc đẩy kế hoạch phân phối vaccine cho các nước khác.
"Nhiều thông tin cho biết chính quyền Joe Biden đang xem xét tặng vaccine cho châu Á để chống lại ảnh hưởng mà Trung Quốc có thể có được nhờ phân phối vaccine", Bollyky nói.
Moore, phó giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Hành động Tiêm chủng, nhận định giúp đỡ các nước khác không chỉ giúp Washington ghi điểm về mặt chính trị, mà còn góp phần bảo vệ chính người dân Mỹ khỏi đại dịch.
"Virus sẽ tận dụng cơ hội nếu chúng ta lơ là cảnh giác hoặc cho phép nhiều người đi lại trên toàn thế giới mà chưa được tiêm chủng", bà nói.
Thanh Tâm (Theo USA Today, CNN, NYTimes)