Đan Mạch ngày 11/3 thông báo đình chỉ vaccine AstraZeneca hai tuần sau một số báo cáo về tình trạng đông máu ở người tiêm vaccine và một ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke nói quyết định đình chỉ là "biện pháp phòng ngừa" và hiện chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng.
"Chúng tôi hành động sớm, bởi nó cần được điều tra kỹ lưỡng", ông đăng Twitter.
Giới chức y tế Đan Mạch nhấn mạnh quyết định chỉ là tạm thời và không dễ dàng, do nước này đang ở giữa đợt triển khai tiêm chủng lớn nhất và quan trọng nhất lịch sử.
"Chúng tôi hiện cần tất cả các loại vaccine có thể có, nhưng vì sẽ tiêm chủng cho rất nhiều người, chúng tôi phải phản ứng kịp thời khi có thông tin về tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra", Søren Brostrøm, giám đốc Hội đồng Y tế Quốc gia, cho hay. "Chúng tôi phải làm rõ điều này trước khi có thể tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca".
Ngay sau Đan Mạch, hàng loạt quốc gia châu Âu đồng loạt thông báo đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại an toàn, trong đó có Na Uy và Iceland. Italy, Estonia, Latvia, Luxembourg và Litva cũng cấm sử dụng lô vaccine một triệu liều được AstraZeneca chuyển tới 17 quốc gia. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là nước đầu tiên hoãn tiêm vaccine AstraZeneca do lo ngại nguy cơ đông máu, nhưng vẫn khẳng định vaccine "có chất lượng tốt".
Kjartan Njálsson, trợ lý giám đốc Cơ quan Y tế Iceland, nói quốc gia này chưa ghi nhận trường hợp đông máu sau khi tiêm vaccine, nhưng sẽ tạm dừng sử dụng để chờ thông tin từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). "Điều mà chúng tôi quan tâm là hiện tại chưa có dữ liệu đầy đủ", ông nói.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng tác dụng phụ có thể xuất hiện ở một số người dù họ được tiêm bất kỳ loại vaccine nào, phần lớn không liên quan tới chất lượng vaccine. Hầu hết quốc gia khác đã triển khai tiêm cho hàng triệu người nhưng không báo cáo trường hợp bất thường.
Lo ngại về an toàn lần này là "bước thụt lùi" đối với AstraZeneca, khi loại vaccine này được nhận định có hiệu quả tổng thể trong thử nghiệm lâm sàng thấp hơn một số loại khác. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu cho thấy vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả, đặc biệt ngăn ngừa triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong. Ở nhiều nơi trên thế giới, đây là loại vaccine duy nhất có sẵn để sử dụng.
Tính đến ngày 10/3, chỉ có 30 trường hợp xuất hiện triệu chứng đông máu được báo cáo trong gần 5 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca ở Liên minh châu Âu (EU) và ba nước châu Âu khác, theo EMA. Cơ quan này cho biết lợi ích của AstraZeneca lớn hơn nhiều lần so với rủi ro và chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó gây ra tình trạng đông máu.
Gonzalo Vina, người phát ngôn của AstraZeneca, cho biết dữ liệu của công ty không cho thấy các vấn đề về an toàn tương tự. "Một phân tích dữ liệu an toàn của chúng tôi với hơn 10 triệu hồ sơ cho thấy không có bằng chứng gia tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hay huyết khối tĩnh mạch sâu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính hay quốc gia nào", ông nói.
Daniel Salmon, giám đốc Viện An toàn Vaccine tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc các nhà chức trách ở châu Âu để ý tới các ca máu đông và điều tra nguyên nhân là dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế đang hoạt động bình thường. Nhưng ông lo lắng rằng nỗi e ngại về an toàn chưa có căn cứ sẽ khiến công chúng hoảng sợ và từ chối tiêm vaccine, dù chúng thực sự cần thiết để kết thúc đại dịch.
Đây không phải lần đầu vaccine của AstraZeneca vướng rắc rối liên quan tới vấn đề an toàn. Đầu tháng 9 năm ngoái, hãng này bất ngờ dừng thử nghiệm giai đoạn ba vì một tình nguyện viên người Anh xuất hiện triệu chứng giống viêm tủy ngang, bệnh thần kinh hiếm gặp do viêm tủy sống.
Những lo ngại đó khiến loại vaccine này bị tạm dừng thử nghiệm trên toàn cầu, nhưng kết quả điều tra cuối cùng cho thấy không có mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca và triệu chứng trên.
Kể từ khi được cấp phép sử dụng, hơn 70 quốc gia đã triển khai vaccine AstraZeneca, ngoại trừ Mỹ, nơi các cơ quan quản lý đang chờ đợi kết quả từ một đợt thử nghiệm lâm sàng lớn dự kiến có trong vài tuần tới. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể xem xét quyết định cấp phép vaccine AstraZeneca sau khoảng một tháng nữa.
Dữ liệu thực tế lớn nhất về tính an toàn của vaccine AstraZeneca đến từ Anh, quốc gia đã tiêm hơn 9,7 triệu liều trong tháng trước. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) cho biết "số lượng và bản chất của các phản ứng phụ cho đến nay không có gì bất thường so với các loại vaccine thường sử dụng khác".
MHRA thêm rằng giới chức Đan Mạch chỉ đang thực hiện "biện pháp phòng ngừa" và khuyên người dân Anh vẫn tiếp tục sử dụng vaccine theo hướng dẫn. Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cam đoan rằng vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả.
Stephen Evans, giáo sư dược tại Trường Y học Nhiệt đới và Dịch tễ London, cho rằng bản thân Covid-19 cũng có liên quan tới tình trạng đông máu ở bệnh nhân. "Vấn đề của những ca phản ứng bất lợi sau khi tiêm vaccine là rất khó phân biệt đó là do vaccine hay do trùng hợp", Evans nhận định.
Giáo sư Helen Petousis-Harris, chuyên gia về vaccine tại Đại học Auckland, nói rằng điều tra khi xuất hiện biến chứng bất thường là cách hành động an toàn nhất. "Tôi đoán lo lắng này sẽ luôn xuất hiện khi có một dấu hiệu nhỏ nào được phát hiện. Chúng ta sẽ cảm thấy hoảng loạn, lo lắng thái quá và dừng lại mọi thứ. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần làm quen với một cuộc điều tra như vậy và cố gắng tiếp tục một cách bình tĩnh", ông nói.
Chính phủ Australia bày tỏ tin tưởng vào tính an toàn của vaccine AstraZeneca. Thủ tướng Scott Morrison cho biết đã thảo luận với Giám đốc Y tế Brendan Murphy và cho rằng không cần phải dừng kế hoạch tiêm chủng loại vaccine này ở Australia. "Chúng tôi có quy trình rất hiệu quả để kiểm tra", ông nói.
Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge hôm 11/3 cũng tuyên bố không có lý do gì để dừng sử dụng vaccine AstraZeneca. "Chuyên gia của chúng tôi nói không có gì phải lo ngại, nên chúng tôi có thể tiếp tục tiêm chủng", ông nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, NYTimes, News)