Phòng Thương mại Italy - Nga hôm 9/3 cho biết thỏa thuận sản xuất Sputnik V đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU) đã được ký giữa Adienne, chi nhánh tại Italy của một hãng dược phẩm Thụy Sĩ, và Kirill Dmitriev, CEO Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), một quỹ tài sản do chính phủ Nga thành lập và tài trợ cho hoạt động nghiên cứu vaccine Covid-19. Hoạt động sản xuất dự kiến bắt đầu từ tháng 7 và sẽ cho "ra lò" 10 triệu liều vaccine trong năm nay.
Thỏa thuận này đạt được giữa lúc sự lây lan của các biến chủng nCoV mới một lần nữa dồn gánh nặng lên hệ thống y tế Italy, trong khi mới chỉ 2,85% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ. Sputnik V chưa được phê duyệt sử dụng tại EU, nhưng Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu quá trình đánh giá từ tuần trước.
Tuy nhiên, một số thành viên EU dường như không còn đủ kiên nhẫn với tốc độ triển khai vaccine chậm chạp của liên minh. Hungary tháng trước trở thành nước EU đầu tiên cấp phép sử dụng Sputnik V. Tuần trước, Slovakia cũng tuyên bố đạt thỏa thuận mua 2 triệu liều Sputnik V và đã nhận 200.000 liều đầu tiên.
Tình huống này được cho là khiến EU ngày càng lo ngại, mặc dù tạp chí y khoa nổi tiếng Lancet hồi đầu tháng trước công bố kết quả phân tích cho thấy vaccine Sputnik V đạt hiệu quả tới 91,6%. Một số quan chức châu Âu còn cho rằng vaccine Covid-19 là "công cụ địa chính trị" mà Moskva sử dụng để thao túng phương Tây, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong khu vực.
"Đó là một cơn ác mộng", Viola von Cramon-Taubadel, thành viên ủy ban đối ngoại thuộc Nghị viện châu Âu, nêu quan điểm. Theo bà, đây là một "vấn đề khẩn cấp" đòi hỏi sự chú ý của EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 17/2 cũng nêu lo ngại về "chiến dịch Sputnik V" của Moskva. "Nhìn chung, tôi phải nói rằng chúng tôi vẫn thắc mắc tại sao Nga lại tung ra nước ngoài hàng triệu liều vaccine, trong khi tiêm chủng chưa đủ cho người dân của chính họ. Tôi nghĩ câu hỏi này nên được trả lời", bà cho hay, nói thêm rằng Nga cần cho phép kiểm tra các cơ sở sản xuất vaccine và nộp toàn bộ dữ liệu để phục vụ quy trình phê duyệt.
Gần đây nhất, chủ tịch ban quản trị EMA Christa Wirthumer-Hoche ví việc phê duyệt vaccine Sputnik V như "trò chơi sinh tử Nga". Trong khi đó, Nico de Pedro, chuyên gia cấp cao tại Viện Statecraft, một nhóm tư vấn trụ sở ở Scotland, cho rằng có những dấu hiệu cho thấy Nga đang tiến hành chiến dịch tuyên truyền vừa quảng bá cho Sputnik V, vừa gieo nghi ngờ vào mức độ an toàn và hiệu quả của các vaccine phương Tây.
Một số người còn lo ngại việc các nước EU "ngả vào vòng tay Nga" để lấp đầy khoảng trống về vaccine Covid-19, trước cả khi EMA "bật đèn xanh", có thể phá hủy toàn bộ chiến lược tiêm chủng chung của châu Âu bởi các tiêu chuẩn đánh giá vaccine không giống nhau.
Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte thậm chí phản đối Sputnik V gay gắt đến mức tuyên bố ngay cả khi EMA phê duyệt vaccine này, Litva vẫn sẽ không dùng nó. "Rõ ràng những nỗ lực bán vaccine cho châu Âu của Nga là một trò chơi địa chính trị khác", Simonyte cảnh báo.
Về phía Nga, CEO của RDIF Kirill Dmitriev cho biết chính họ mới là nạn nhân của chiến dịch tin giả, đồng thời nhấn mạnh Sputnik V là vaccine Covid-19 "tốt nhất thế giới". Điện Kremlin cũng lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc về chiến dịch đưa tin giả từ truyền thông Mỹ.
Nhóm phát triển Sputnik V từng trả lời phỏng vấn rằng những lời chỉ trích trên truyền thông "đang làm suy yếu nỗ lực quốc tế nhằm sản xuất đủ vaccine an toàn và hiệu quả cho thế giới". "Sputnik V phải đối mặt với loạt chỉ trích vô căn cứ như vậy ngay từ đầu. Tất cả những điều đó đều đã được chứng minh là sai", họ cho hay.
Bất chấp cuộc tranh luận gay gắt, các nước châu Âu dường như ngày càng quan tâm đến Sputnik V. Chính phủ Pháp, một trong những thành viên trụ cột của EU, đã trao đổi thường xuyên với phía Nga về Sputnik V dù chưa có địa điểm sản xuất đáp ứng những yêu cầu cần thiết, theo một quan chức giấu tên thuộc Bộ Công nghiệp Pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bắt đầu đối thoại với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về Sputnik V từ mùa thu năm ngoái. Paris còn cử một đoàn chuyên gia đến Nga để đàm phán về vaccine, đồng thời tư vấn cách thảo luận với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và EMA, một quan chức giấu tên khác cho hay.
RDIF cho biết Sputnik V đã được cấp phép tại 46 quốc gia, trong khi chính phủ Nga tuyên bố sẽ sẵn sàng cung cấp 50 triệu liều vaccine cho châu Âu từ tháng 6. Dmitriev còn tiết lộ Nga đã thiết lập quan hệ đối tác với một công ty Đức và đang đàm phán với vài công ty Pháp.
Ánh Ngọc (Theo AP, Politico)