Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/5 cáo buộc quân đội Nga sử dụng chất gây nghẹt thở chloropicrin và các hợp chất chuyên chống bạo loạn trong quá trình tác chiến tại Ukraine, cho biết đã gửi báo cáo về kết luận "Nga vi phạm lệnh cấm vũ khí hóa học toàn cầu" đến quốc hội Mỹ.
"Việc sử dụng những loại hóa chất này không phải sự việc đơn lẻ, nhiều khả năng nhằm mục đích đánh bật binh sĩ Ukraine khỏi các cứ điểm và giúp Nga giành lợi thế chiến thuật trên chiến trường", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn.
Giới chức Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Telegraph đầu tháng 4 dẫn lời nhiều binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến nói rằng vị trí của họ gần đây thường xuyên bị phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ (drone) thả lựu đạn hơi cay. Dù không gây chết người hay lập tức làm mất khả năng chiến đấu, các vụ tập kích kiểu này thường khiến binh sĩ Ukraine hoảng loạn, rời nơi ẩn nấp và hứng đòn tấn công bằng vũ khí thông thường.
Quân đội Ukraine cho biết ít nhất 500 binh sĩ phải điều trị do nhiễm độc, một người thiệt mạng sau khi Nga đẩy mạnh sử dụng lựu đạn khói chứa những hợp chất kiểm soát đám đông như khí CS và CN ở mặt trận phía đông.
Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) có trụ sở tại Hà Lan nói rằng chloropicrin là chất bị cấm trong khuôn khổ Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC), có hiệu lực từ năm 1997.
Nga và Ukraine từng cáo buộc nhau vi phạm CWC, nhưng OPCW chưa nhận được đề nghị điều tra các vụ sử dụng chất hóa học bị cấm trên chiến trường Ukraine.
Vũ khí hóa học được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến I cách đây hơn một thế kỷ, gây ra thương vong lớn cho lực lượng các bên tham chiến. Điều này khiến vũ khí hóa học bị lên án mạnh mẽ sau Thế chiến I.
Trong Thế chiến II, vũ khí hóa học không được sử dụng nhiều như Thế chiến I. Một số quốc gia sau Thế chiến II tiếp tục cất giữ và phát triển vũ khí hóa học. Theo thống kê sau khi CWC có hiệu lực tháng 4/1997, thế giới có tổng cộng 72.000 tấn vũ khí hóa học.
Nga ký CWC năm 1993 và khởi động chương trình tiêu hủy vũ khí sau đó ba năm, thông báo tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học vào tháng 9/2017, hoàn thành nghĩa vụ trước Mỹ 6 năm.
Vũ Anh (Theo Reuters)