"Có xu hướng rõ ràng và tăng lên về hành động khiêu khích của Trung Quốc chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông và những quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong khu vực", Jung Pak, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kiêm lãnh đạo Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 26/7.
Theo bà, máy bay Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn những vụ ngăn chặn không an toàn máy bay Australia trong không phận quốc tế phía trên Biển Đông và ba sự cố riêng biệt vài tháng qua đã thách thức hoạt động nghiên cứu biển cũng như thăm dò năng lượng của Philippines.
Phát biểu tại CSIS, Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho biết đã có "hàng tá" sự việc xảy ra trong nửa đầu năm liên quan quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, tăng mạnh trong 5 năm qua.
"Bắc Kinh đang thử nghiệm một cách có hệ thống giới hạn quyết tâm tập thể của chúng tôi. Theo quan điểm của tôi, hành vi hung hăng và vô trách nhiệm này thể hiện một trong những mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực hiện nay, bao gồm cả ở Biển Đông", ông Ratner cho hay.
"Nếu quân đội Trung Quốc tiếp tục mô hình hành vi này, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lớn trong khu vực", ông nói thêm.
Phát biểu trong chuyến thăm Indonesia cuối tuần qua, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng quân đội Trung Quốc đã trở nên hung hăng, nguy hiểm hơn trong 5 năm qua. Theo ông, số vụ chạm mặt của máy bay, tàu chiến Trung Quốc với lực lượng Mỹ và đối tác ở khu vực Thái Bình Dương đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua, trong khi số vụ tương tác không an toàn cũng tăng lên với tỷ lệ tương tự.
Những bình luận của quan chức Mỹ được đưa ra khi Washington tăng cường nỗ lực củng cố mối quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương để đối trọng Trung Quốc, nước đang cố mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực. Chính quyền Tổng thống Joe Biden xem Trung Quốc là mối đe dọa và là thách thức an ninh dài hạn.
Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng. Đợt diễn tập mới nhất từ 16/7 đến 20/7 gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam được tổ chức sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông ngày 13/7.
Khu trục hạm USS Benfold của Mỹ ngày 13/7 áp sát quần đảo Hoàng Sa và ngày 16/7 tiến hành hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ cho rằng hoạt động này nhằm đảm bảo quyền tự do đi lại trên Biển Đông, trong khi Trung Quốc cáo buộc động thái của Mỹ "gây tổn hại hòa bình và ổn định" trong khu vực.
Huyền Lê (Theo Reuters)