"Tác chiến điện tử là một dạng hỏa lực và không khác các hệ thống vũ khí khác như pháo", đại tá Josh Koslov, chỉ huy Không đoàn Tác chiến Điện tử số 350 của Mỹ, ngày 5/6 nhận định.
"Khả năng tích hợp dạng hỏa lực này để hỗ trợ cho kế hoạch tác chiến của bộ chỉ huy lực lượng hiệp đồng giờ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", ông Koslov nói.
Đại tá Koslov và chuẩn tướng Ed Barker, lãnh đạo Chương trình Tình báo, Tác chiến điện tử và Cảm biến, đều lưu ý việc giành ưu thế về tác chiến điện tử trong các cuộc xung đột với đối thủ ngang tầm như Nga hoặc Trung Quốc "sẽ là cuộc đua sít sao và Mỹ phải duy trì lợi thế".
"Đứng thứ hai trong tác chiến điện tử là điều tồi tệ. Nếu chúng ta thua trong lĩnh vực này hoặc không thể tác động đến hệ thống điện tử của đối phương, quân đội Mỹ sẽ thảm bại rất nhanh", ông Koslov thừa nhận.
Quân đội Mỹ thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của tác chiến điện tử trong chiến lược. Họ đang tìm cách đối phó với tác chiến điện tử của đối phương cũng như xây dựng phương án chiến đấu cùng khả năng này.
Tác chiến điện tử là thuật ngữ chỉ hoạt động chiến đấu liên quan đến các yếu tố của phổ điện từ, hay tất cả tần số có thể có của bức xạ điện từ. Mỹ ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này vì xung đột Nga - Ukraine, nơi hoạt động tác chiến điện tử như giả mạo tín hiệu GPS hay gây nhiễu đang định hình chiến sự.
Quân đội Mỹ đang theo dõi chặt chẽ chiến sự Nga - Ukraine để thu thập thông tin về tác chiến điện tử. Một trong những điều mà họ nhận thấy từ cuộc xung đột là nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác hiện đại mà Mỹ viện trợ cho Ukraine giảm hiệu quả do bị Nga gây nhiễu.
Daniel Patt, chuyên gia thuộc Viện Hudson, hồi tháng 3 nhận định đạn pháo Excalibur 155 mm dẫn đường bằng GPS "có tỷ lệ bắn trúng mục tiêu là 70% khi lần đầu được Ukraine sử dụng, song hiệu quả giảm xuống còn 6% sau 6 tuần, khi Nga điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử để đối phó".
Các loại bom đạn dẫn đường như GMLRS và JDAM cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Patt, vũ khí mới mà phương Tây viện trợ cho Ukraine "chỉ đạt hiệu quả cao nhất trong khoảng hai tuần trước khi Nga đưa ra biện pháp đối phó".
Tướng Barker ngày 5/6 nhận định phổ điện từ là "một dạng trận địa". "Phải giữ được trận địa này, điều động lực lượng trên đó và gây tác động đến đối phương", ông Barker nói, đồng thời cho biết quân đội Mỹ gần đây diễn tập tác chiến điện tử và xem xét hơn 70 kịch bản tùy theo các điều kiện khác nhau.
Cuộc diễn tập giúp quân đội Mỹ "xác định những khoảng trống mà chúng tôi cần tập trung bù đắp", trong đó có hiểu rõ hơn về năng lực tác chiến điện tử của đồng minh lẫn đối phương, xây dựng phương pháp tiếp cận từng lớp để đối phó loại hình tác chiến này. "Đây là vấn đề phức tạp và không có giải pháp hoàn hảo", tướng Barker nói.
Nguyễn Tiến (Theo Defense News, AFP, Reuters)