Câu chuyện mở cửa trường hay không là vấn đề nóng đối với người dân ở tất cả những nước đã và đang bị dịch Covid-19 quét qua. Và ở đâu cũng vậy, các bậc cha mẹ sẽ ủng hộ quyết định nào phù hợp với tình cảnh của mình.
Nói chính xác thì hoàn cảnh đó chỉ là liệu bạn có chỗ trông con cho không? Những ai có ông bà hay giúp việc, hay là những ai có ít nhất một trong hai cha mẹ của bé có thể ở nhà, thì họ sẽ cho muốn con ở nhà. Những ai không có người nào có thể trông con tại nhà sẽ muốn trường mở cửa lại.
Thật ra, với tình hình dịch diễn tiến đã hai năm nay thì có lẽ ai cũng phải thừa nhận rằng, dịch sẽ ghé thăm mình, trừ khi mình đã tiêm vaccine và có một chút may mắn nữa. Trẻ em thuộc diện đã tiêm vaccine thì khả năng ốm nặng rất thấp. Vì vậy cho các em này đến trường cũng không tăng khả năng bị bệnh là bao nhiêu.
>> 'Mở cửa trường học - đừng chần chừ nữa'
Với các em chưa được tiêm vaccine thì mọi chuyện hơi khó hơn một chút. Đây chính là nhóm trẻ cần phải được trông chừng nhiều nhất. Trên 12 tuổi các em học sinh có thể ở nhà và tự học online, đến trường các em cũng sẽ có ý thức 5K hơn một chút. Còn với trẻ em dưới 12 tuổi thì độ phủ vaccine chưa rộng và ý thức 5K cũng chưa cao. Dưới 5 tuổi thì không vaccine và chắc chắn là cần phải có người trông trẻ.
Các bậc cha me có nhu cầu khác nhau và vì vậy, nhà trường nên có những giải pháp khác nhau. Ở cấp mầm non, các nhà trẻ nên được phép hoạt động trở lại, nhất là các trường tư. Đây là giải pháp cho các bậc cha mẹ cần gởi con để đi làm.
Thực tế, các trẻ trong nhóm này cũng bị gởi nhà hàng xóm, gởi các nhóm trẻ tự phát và nguy cơ mắc Covid-19 cũng tương đương, nếu không muốn nói là còn nhiều hơn so với các trẻ được tới trường mầm non. Những ai có con chưa vào lớp một và không cần phải gởi con thì chẳng sao, cứ tiếp tục để con ở nhà và chăm con như cũ.
Đối với các trẻ ở bậc tiểu học, việc học hành có thể chia làm hai cách. Nhà trường có thể mở lại lớp học cho các em có nhu cầu học trực tiếp. Các em gia đình có nguyện vọng học từ xa thì sẽ có lớp giảng riêng cho các em này.
Trong cả khối, như là khối lớp 7 của trường, các em học từ xa có thể học cùng một lớp. Các em học trực tiếp sẽ vào lớp và được sắp xếp lại thành các lớp nhỏ hơn để phân công giáo viên dạy.
Nói tới đây thì sẽ có rất nhiều người phản đối. Các bậc cha mẹ sẽ càu nhàu là như vậy thì trẻ học trên trường hay online sẽ học tốt hơn các bạn khác. Nhà trường sẽ rối rắm trong việc phân công giảng dạy.
Đây chính là căn nguyên của vấn đề. Ai cũng muốn giải pháp nào có lợi nhất cho mình và khó chịu khi người khác được cái mà họ muốn. Người có thể cho con ở nhà thì cho rằng việc học ở nhà sẽ khiến con bị thiệt thòi khi các bạn khác được học trực tiếp.
Còn những ai có con cần phải gởi tới trường thì hậm hực khi các bậc cha mẹ khác được tiếp tục để con ở nhà. Làm như vậy nhà trường sẽ khó gánh nổi chi phí và sẽ phải thu thêm mới duy trì nổi hoạt động. Mà cứ hễ sờ tới túi tiền thì ai mà chả cáu, nhất là trong hoàn cảnh này.
>> 'Tôi yên tâm cho con đi học lại'
Đó là chưa kể tới hệ thống trường công. Khi giảng dạy bằng cả hai phương pháp thì nhà trường sẽ tốn kém thêm nhưng không thể giữa chừng đòi thu phí của cha mẹ học sinh, không thì xác định là sẽ gặp nhiều điều tai tiếng. Trong hoàn cảnh nhìn đâu cũng thấy khó khăn, các trường cũng chả muốn gánh vác thêm trách nhiệm gì.
Để giải quyết vấn đề này thì nhà trường cứ vin vào "số đông" và làm theo họ cho chắc ăn. Số đông hiện tại có lẽ là các vị vẫn muốn để con ở nhà. Có lẽ khi nào "thấm đòn" vì không có ai trông con thì các vị này sẽ đổi ý.
Giải pháp có lẽ sẽ phải đến từ phía trên. Các nhà trường phải được phép linh động chuyện mở cửa hay không, được phép thu thêm phí nếu cần, và quan trọng nhất là phải được đảm bảo rằng các vị phụ huynh thích so đo không "bóc phốt" họ.
Đi học thì khả năng bị nhiễm bệnh ở trường là khó tránh khỏi, dù không nặng. Chỉ cần một vài trường hợp kiếm cách kiện tụng đổ lỗi là chẳng ai dám cho học sinh đến lớp trở lại.
Trong dịch bệnh, sự bao dung cho nhau là điều cần thiết. Cái sự bao dung đấy không phải chỉ là giúp đỡ khi hoạn nạn, nó còn là chấp nhận hậu quả mà sự lựa chọn cũng như hoàn cảnh đã đẩy mình vào.
Với những ai muốn con tới trường, họ cần chấp nhận chi phí và khả năng con bị lây bệnh. Với những ai muốn để con ở nhà, họ cần phải chấp nhận khả năng con mình không được tương tác với bạn bè, và có thể là sẽ không tiếp thu bài học tốt như các bạn tới trường.
>> Trường học ở Mỹ mở cửa an toàn nhờ tiêm vaccine
Tôi có lần đọc được một cuốn sách nói về "các bậc cha mẹ 100%". Đấy là các bậc cha mẹ cứ muốn đảm bảo là con mình 100% sẽ thế này thế nọ. Đây cũng là các vị cứ hỏi rằng nếu con tôi tới trường mà bị bệnh thì ai chịu trách nhiệm.
Sẽ không ai chịu trách nhiệm cả. Mỗi người có một hoàn cảnh và những khó khăn riêng. Cho phép mỗi người được lựa chọn và trả giá cho lựa chọn của mình là cách để chống chọi với dịch bệnh. Cái giá đó có thể là tiền bạc, là sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Nhưng có sự lựa chọn còn hơn không, bởi vì khi người ta không có sự lựa chọn thì người ta cũng sẽ vẫn phải tự tạo ra cái gì đó để lựa chọn. Với những ai cần gởi con thì đó có thể là các nhóm trẻ tự phát. Với những ai không cần gởi con thì họ sẽ phải cho con tới trường, và lo lắng không ngừng, và đổ lỗi cho tất cả nếu có gì không may xảy ra.
Dịch Covid-19 đã tới mà không cho loài người lựa chọn. Con người với nhau thì phải mỗi người nhường nhau một chút, chứ không thể cư xử như virus, mỗi chuyện đều tự làm theo ý mình.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.