"Nhà ở xã hội mang tiếng là bán cho người thu nhập thấp mua để ở, nhưng bản chất họ là những người muốn kiếm lời. Thế nên, khi họ mua được nhà giá rẻ, lại có người sẵn sàng trả giá cao hơn thì họ lập tức bán ngay để ăn chênh lệch. Vậy xây nhiều nhà ở xã hội còn có ý nghĩa gì?
Do đó, tôi cho rằng cần có chế tài kiểm soát tình trạng mua bán nhà ở xã hội. Trước hết, cần quy định thời hạn sở hữu, sử dụng đối với nhà ở xã hội. Ví dụ, lần đầu không quá 15 năm. Trong khoảng thời gian đó nếu có mua bán thì vẫn phải giữ nguyên thời hạn sở hữu, tức là người mua sau sẽ có thời gian sử dụng ngắn đi.
Hết thời hạn, nhà sẽ bị tịch thu lại rồi tiến hành bán đấu giá với thời hạn sử dụng tiếp theo là 10 năm, rồi sau đó là 5 năm... Cứ như vậy cho đến khi nhà quá niên hạn sử dụng, phải đập đi xây lại thì việc thu hồi đất cũng rất đơn giản".
Đó là quan điểm của độc giả Tò trước thực trạng giá bán thứ cấp của một số dự án nhà xã hội tại Hà Nội đã tăng mạnh sau một năm (lên tới gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái). Cá biệt, có những khu vực, nhà xã hội ở chục năm nhưng vẫn được 'hét' giá 60 triệu đồng mỗi m2, ngang ngửa chung cư trung cấp. Đà tăng giá của một số dự án nhà xã hội đang vượt khả năng chi trả của phần đông người dân có nhu cầu. Dù đắt đỏ nhưng chất lượng những dự án này khá kém so với mức rao bán và có xu hướng xuống cấp sau hơn chục năm sử dụng.
>> Nghịch lý người có thu nhập phải đóng thuế nhưng được mua nhà ở xã hội
Liên quan đến câu chuyện giá nhà ở xã hội tăng cao, bạn đọc Dangkhoa gợi ý giải pháp: "Theo tôi, nên cấm giao dịch mua bán nhà ở xã hội với khách ngoài trong vòng 5-10 năm kể từ ngày mua. Nếu người mua không có nhu cầu ở nữa thì có thể bán lại cho cơ quan quản lý để phân phối lại cho người thu nhập thấp có nhu cầu mua ở thực".
Đồng quan điểm, độc giả Tigera nhấn mạnh: "Mục đích của nhà ở xã hội là mua để ở chứ, không phải để mua bán kiếm lời. Tóm lại, nhà ở xã hội chỉ nên cho thuê chứ không bán đứt. Ai có nhu cầu ở thì thuê dài hạn vài chục năm, ưu tiên cho người có gia đình đông con, người già và kinh tế không cao. Làm vậy sẽ ngăn được tình trạng mua đi bán lại ngáo giá".
"Phải làm nhà ở xã hội thật rẻ để phù hợp với những gia đình có tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ khoảng 20 triệu đồng một tháng. Cơ quan quản lý có thể trợ giá hoặc làm chủ đầu tư để giảm chi phí xây dựng. Kèm theo đó, người mua nhà ở xã hội phải chấp nhận điều kiện: chỉ được bán lại cho cơ quan quản lý với giá khi mua (đã trừ bớt khấu hao theo số năm sử dụng). Khi đó, nạn đầu cơ đẩy giá nhà ở xã hội sẽ bị triệt tiêu", bạn đọc Cavanhanh nói thêm.
- Nỗi khổ những người 'không đủ khó khăn' để mua nhà ở xã hội
- 'Tôi thu nhập 30 triệu đồng nhưng không được mua nhà ở xã hội'
- 'Nhà ở xã hội có thời hạn thay vì trọn đời'
- Thay đổi tư duy bán nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
- Nhà ở xã hội hướng tới người lao động có đóng thuế
- 'Người có xe hơi vẫn mua được nhà ở xã hội'