Có sẵn khoản tích luỹ 1,5 tỷ đồng, vợ chồng anh Quang Hùng, quận Hoàng Mai tính mua một căn chung cư cũ để gia đình ba thành viên có nơi ở rộng rãi hơn. Với ngân sách này, anh Hùng cho biết "vay thêm 1 tỷ đồng vẫn khó mua được chung cư thương mại trong khu vực bởi giá đã leo thang từ năm ngoái". Vợ chồng anh chuyển sang tìm nhà tại một số dự án nhà ở xã hội đã bàn giao nhiều năm.
Hỏi giá một căn hộ rộng 55 m2 tại dự án @Homes Tam Trinh, anh Hùng bất ngờ khi môi giới chào giá 3,3 tỷ đồng, tương đương 60 triệu đồng mỗi m2. Mức này đã tăng gần 1 tỷ đồng so với thời điểm này năm ngoái, dù căn hộ chỉ bố trí đồ cơ bản như bàn bếp, nóng lạnh và thiết bị vệ sinh. Thời điểm mới mở bán vào năm 2017, dự án này có giá chỉ từ 14 triệu đồng mỗi m2.
Tham khảo thêm khu nhà xã hội Rice City Linh Đàm, giá bán thậm chí đắt đỏ hơn. Một số căn diện tích 58-62 m2 được chào giá lên đến 3,5-3,9 tỷ đồng, tương đương 60-62 triệu đồng mỗi m2, tuỳ vị trí và nội thất. Dự án này hoạt động từ năm 2015, đơn giá thời điểm mở bán xấp xỉ 15 triệu đồng mỗi m2. Anh Hùng cho hay việc vay thêm 2-2,4 tỷ đồng để mua nhà lúc này "quá sức" với khả năng tài chính của hai vợ chồng.
"Nhà xã hội đã sử dụng chục năm nhưng giá ngang ngửa chung cư thương mại khiến vợ chồng tôi có lẽ phải tính lại việc mua nhà thời điểm này", anh nói.

Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Vũ Luân
Tương tự, vợ chồng chị Bích Thúy, quận Bắc Từ Liêm, cũng chần chừ xuống tiền mua nhà dù đã tích lũy được gần 2 tỷ đồng. Để có không gian sống rộng rãi hơn, chị tìm mua căn hộ tại dự án nhà xã hội đã bàn giao trong khu vực. Tuy nhiên, giá bán đều nằm trong ngưỡng 50-55 triệu đồng một m2.
Đơn cử, tại khu Ecohome 1 và 2, phường Đông Ngạc, môi giới cho biết ngân sách 2 tỷ đồng chỉ mua được loại căn rộng khoảng 36 m2, tương đương 55 triệu đồng mỗi m2. Nếu chọn căn rộng hơn, khoảng 56-65 m2, chị Thúy cần vay thêm 700 triệu đến 1,3 tỷ đồng. "Nếu so với lúc mở bán, giá đã tăng gấp 4-5 lần. Thực sự giấc mơ an cư chưa bao giờ dễ dàng", nữ nhân viên văn phòng chia sẻ.
Theo ghi nhận của VnExpress, giá bán thứ cấp của một số dự án nhà xã hội tại Hà Nội đã tăng mạnh sau một năm. Tại khu nhà ở xã hội Đại Kim bàn giao cuối năm 2017, một số căn hộ diện tích 63 m2, bố trí hai phòng ngủ được rao bán với giá 3,6-3,7 tỷ đồng, bình quân trên 57 triệu đồng mỗi m2. Mức rao này tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số dự án nhà ở xã hội khác cũng ghi nhận mức tăng 25-40% sau một năm. Đơn cử dự án The Vesta Phú Lãm ở Hà Đông có giá bán thứ cấp hiện nay vào khoảng 42-44 triệu mỗi m2, tăng 28-32% so với quý I/2024. Dự án ở Đặng Xá, Gia Lâm cũng lên đến 38-40 triệu mỗi m2, trong khi nửa đầu năm ngoái chỉ khoảng 20-25 triệu đồng.
Tại dự án NHS Trung Văn bàn giao đầu năm nay, nhiều căn hộ được rao giá 50-55 triệu đồng mỗi m2. Trong khi giá mở bán dự án chỉ khoảng 19,5 triệu đồng mỗi m2. Theo Luật Nhà ở 2023, dự án nhà ở xã hội không được phép chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền mua.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home - doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội - cho biết giá bán loại hình này leo thang do ảnh hưởng từ đà tăng nóng của chung cư thương mại Hà Nội năm ngoái. Đến nay, thị trường Thủ đô gần như vắng bóng các dự án chung cư sơ cấp giá dưới 50 triệu đồng mỗi m2. Nguồn cung trên thị trường lệch pha sang phân khúc giá cao với phần lớn giỏ hàng mới được chủ đầu tư để giá từ 70 triệu đồng mỗi m2.
"Thị trường 'khát' phân khúc bình dân và trung cấp nên nhà xã hội sau 5 năm trở thành nguồn cung bù đắp sự thiếu hụt này", ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý đà tăng giá của một số dự án nhà xã hội đang vượt khả năng chi trả của phần đông người dân có nhu cầu. Dù đắt ngang chung cư thương mại trung cấp, chất lượng những dự án này khá kém so với mức rao bán và có xu hướng xuống cấp sau hơn chục năm sử dụng. "Dù rao giá cao, nhiều căn đến nay vẫn khó bán, thậm chí không có thanh khoản bởi với ngân sách trên dưới 3 tỷ đồng, người dân có nhiều lựa chọn tốt hơn", ông nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cảnh báo hệ lụy từ đà tăng nóng của các phân khúc nhà ở khiến nhiều đối tượng liên tục đầu cơ, "ôm hàng" chờ bán chênh. Lợi dụng sự khan hiếm nhà ở vừa túi tiền, nhiều chủ nhà còn chào bán nhà xã hội khi chưa hết 5 năm để hưởng lợi chênh lệch.
Ông Đính cho rằng việc chuyển nhượng nhà xã hội khi chưa hết 5 năm tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua bởi vi phạm Luật Nhà ở 2023 dẫn đến hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu. Trường hợp mua nhà từ chủ sở hữu không nằm trong nhóm đối tượng thụ hưởng, người mua sau sẽ đối diện nguy cơ bị thu hồi nhà.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng giải pháp cần làm là tăng cường đầu tư, phát triển nhà xã hội. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tăng nguồn cung nhà xã hội là giải pháp đột phá để xoay chuyển cục diện và cấu trúc lại thị trường địa ốc theo hướng lành mạnh, bền vững, giúp đảm bảo an sinh xã hội.
Trong tham luận gửi Thủ tướng mới đây, HoREA đã đề xuất chủ đầu tư dự án nhà xã hội được tăng hệ số sử dụng đất và quy mô dân số lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Giải pháp giúp tăng thêm tối đa 50% số lượng căn hộ nhà xã hội so với dự án nhà thương mại trên cùng diện tích đất. Hiệp hội cũng đề xuất lãi vay mua nhà ở xã hội nên ở mức 4,7%, thay vì 6,6% như hiện tại, giúp người dân mở rộng cơ hội tiếp cận nhà ở.
Ngọc Diễm