Đọc những lời phân vân của tác giả bài viết có nên nhận lời chăm cô ruột khi bà về già để đổi lấy căn nhà trị giá 4 tỷ, tôi có cùng nhận định với đa số độc giả khác bình luận phía dưới: Nuôi người già, không phải bố mẹ ruột của mình phải thực sự thương yêu, vô tư và trong sáng nhất có thể mới làm tròn nghĩa vụ.
Tôi hiện không trực tiếp săn sóc bố mẹ vì không ở cùng ông bà. Nhưng đã chăm người bác ruột 85 tuổi gần 10 năm nên hoàn toàn có kinh nghiệm trong việc chăm nuôi người già.
Ông bác tôi có hai người con gái, lấy chồng và định cư nước ngoài từ lâu. Lúc cuộc sống ở nước ngoài dần đi vào ổn định, hai chị họ tôi muốn rước bác sang đó để phụng dưỡng nhưng bác không thiết tha với cuộc sống xế chiều ở đất khách quê người mà muốn gắn bó với mảnh vườn, ao cá quê nhà.
Tôi lấy vợ, sống ở quê nên nghiễm nhiên được hai chị gửi gắm trông nom ông cụ lúc về già. Thú thật với các bạn, chăm trẻ con cực một thì chăm người già, nhất là khi bị lẫn thì cực gấp mười, trăm lần.
>> Cho con sống riêng, cha mẹ về già tự túc
Lúc ông cụ chưa bảy mươi vẫn còn đi đứng, làm vườn mạnh khỏe nên nhà ai nấy ở. Hàng ngày tôi và vợ thay phiên nhau qua thăm ông. Nhưng khi bước qua độ tuổi bảy mươi, dấu hiệu sức khỏe đi xuống rõ rệt. Ông bị parkinson, hai tay run rẩy không làm được việc gì. Cầm cốc uống nước cũng không xong chứ đừng nói đến việc dùng đũa, thìa ăn cơm. Vợ chồng tôi phải thay phiên nhau bón cơm cho ông mỗi ngày ba bữa.
Ông vẫn nhất quyết ở nhà của mình nên chúng tôi phải cắt cử người trông nom đêm ngày. Công việc gia đình hầu như chỉ gói gọn, tôi làm việc ở xã, phụ vợ làm nông và buôn bán lặt vặt thêm để có thu nhập.
Đến khi ông gần tám mươi tuổi thì bỗng dưng như đứa trẻ, không nhớ mình là ai. Dân gian gọi là bị lẫn. Lúc đó tôi mới rước hẳn ông về nhà mình để tiện chăm nom.
Từ lúc đó, ông nằm yên một chỗ, không vận động nên lở loét trên thân thể. Tôi phải lau mình, tắm rửa cho ông mỗi ngày. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh cá nhân, đại tiện và tiểu tiện thì mùi xú uế không sao tả nổi. Thế nhưng vẫn phải làm, vì đó là ông bác ruột của tôi.
Đi kèm đó là những điều tiếng với họ hàng, làng xóm. Ông cụ lẫn nên không nhớ gì cả, vợ chồng tôi cho ông ăn đầy đủ nhưng có khách đến thăm thì ông bảo chưa ăn gì. Mấy lần các chị họ tôi về nước thăm thì ông bảo thường xuyên bị bỏ đói, bị hành hạ, đánh đập. Nhà tôi có đám tiệc, giữa lúc đông người thì ông đột nhiên bò ra sàn nước cởi hết quần áo để tắm. Ôi thôi còn vô vàn những chuyện lặt vặt và to tát khác mà vợ chồng tôi phải đối mặt mỗi ngày, trong 10 năm trời.
Dĩ nhiên thời gian đó các con ông cũng có gửi tiền, quà về để phụ chăm bố, nhưng tất cả đều dồn vào thức ăn, thuốc thang cho đến ngày ông mất, tiền đó cũng dành để tổ chức ma chay.
>> 3 giải pháp cuộc sống tuổi già thay vì vào viện dưỡng lão
Bây giờ, miếng đất và căn nhà cũ của ông vợ chồng tôi quản lý, giá thị trường bây giờ là tầm một tỷ đồng. Một tỷ đồng có lớn không? Dĩ nhiên là lớn nhưng tôi khẳng định so với chục năm chăm người già mỗi ngày thì số tiền đó không là gì. Vì gói gọn trong hơn mười năm đó là sự nhẫn nhịn, chịu đựng và trên hết là tình ruột thịt.
Bởi vậy, tôi nghĩ thật cân nhắc rất kỹ trước khi nhận lời chăm sóc người thân già cả. Nên nhớ là bạn còn cha mẹ già phụng dưỡng, chiếc gánh chăm ba người già cùng lúc là không hề nhẹ nhàng đâu.
Nghĩ theo hướng khác, nhiều vợ chồng trẻ, cơ hội kiếm tiền mua nhà còn nhiều nên đừng vì cái lợi trước mắt mà sau này có nguy cơ trở thành người bội tín trong mắt bà con, họ hàng.
Tôi cũng rất mong xã hội ta có thêm nhiều viện dưỡng lão để người già neo con cháu có thêm một chỗ gửi gắm trước khi về trời.
Lê Văn Hội
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.