Nhiều trường hợp phụng dưỡng cha mẹ chu đáo thì quan hệ vợ chồng xấu đi. Giữ được hạnh phúc riêng thì lại áy náy, day dứt vì không làm tròn nghĩa vụ làm con. Biết làm sao đây?
Hôm nay đọc bài "Trẻ không tiết kiệm, già trông cậy vào ai?" của tác giả Bích Trâm, tôi suy ngẫm ít nhiều về đạo hiếu và hạnh phúc riêng tư của mỗi người trong cuộc sống. Tôi xin kể ra đây hai trường hợp có thật, những mong được bổ sung một góc nhìn không mới nhưng chưa bao giờ cũ về tình và hiếu.
Câu chuyện đầu tiên, một lần đến thăm cậu mợ (họ xa), thấy gia cảnh của hai cụ mà tôi nghẹn lòng. Vợ chồng nông dân gần 80 tuổi vẫn cày cấy, nuôi lợn chăn bò để kiếm sống.
Bốn đứa con trai đã kết hôn và ở riêng, một đứa làm nông, còn lại đều thoát ly. Hai cụ ở trong căn nhà cấp bốn ọp ẹp, đồ đạc giản đơn và cũ kỹ như chính chủ nhân của nó. Khi về, tôi than thở với mẹ: "Bốn đứa con trai mà để cha mẹ già vất vả như thế".
Tôi định bụng sẽ gọi cho con trai cả của cậu mợ, cũng là bạn thân thuở hàn vi của tôi, để nói suy nghĩ của mình nhưng ngại ngần, không dám cất lời. Sau đó, tình cờ gặp nhau tại một đám giỗ, trong hơi men, cậu ấy khóc, tự trách mình là con trưởng mà không lo được cho cha mẹ. Anh muốn dành cho cha mẹ một cuốn sổ tiết kiệm mà vợ không đồng ý, vợ chồng cãi nhau gay gắt. Vợ còn muốn anh bảo bố mẹ viết di chúc để chia đất đai ở quê kẻo sau này anh em mất đoàn kết...
Tôi thương và ái ngại trước bế tắc của anh ấy, liền bảo: "Cậu giấu hết các khoản thu nhập ngoài lương và bàn với các em đóng góp mỗi người một ít...". Anh nói cũng giấu vợ được chút tiền nhưng đã chi hết trong đợt mẹ ốm rồi.
>> Tài sản - quyền lực và kiếp nạn của người già
Câu chuyện thứ hai, một chị bạn thân của tôi tính tình hiền hậu, chịu thương chịu khó, sống tiết kiệm, luôn thu vén cho gia đình. Vợ chồng chị ấy đều là viên chức, thu nhập chừng hai mươi triệu đồng một tháng, đang nuôi hai con học đại học.
Chị hay kể với tôi về quá trình đi lên từ số không của hai vợ chồng và hài lòng với thành quả sau vài chục năm chắt chiu gây dựng kinh tế. Nhưng đôi lúc thấy chị trầm tư, tôi hỏi thì chị bảo lo lắng cho cha mẹ. Các anh chị em của chị đều nghèo khó, chỉ mình chị ấy có cuộc sống ổn định.
Chị muốn chăm lo cho bố mẹ nhiều hơn nhưng chồng rất hà tiện, tính toán chi ly với cả vợ con và ngay cả cha mẹ ruột, thì sao có thể hy vọng anh ta hào phóng với cha mẹ vợ. Mẹ chị ấy bị tai biến nhiều năm nay, phải thuê người chăm sóc. Mấy anh chị em góp tiền chăm mẹ hàng tháng. Chị ấy thường giấu chồng mua thuốc bổ cho mẹ.
>> Sai lầm sinh nhiều con làm 'tài sản' dưỡng già
Có lần, chị ấy hỏi tôi: "Em có dám ly hôn để có tiền lo cho cha mẹ không?". Tôi cười, "sao phải tới mức ấy cơ chứ?". Chị bảo, nếu chồng không đồng ý chi tiền thì chị đành chọn ly dị để có tiền chữa bệnh cho cha mẹ vì nếu cha mẹ mất đi do chị không hết lòng cứu chữa thì cả quãng đời còn lại chị sống không yên.
Xin hỏi các cô bác, các anh chị và các bạn, nếu người con thương cha mẹ nhưng rơi và một trong hai hoàn cảnh trên thì họ nên làm gì? "Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?".
Cá nhân tôi luôn ủng hộ quan điểm thời trẻ chăm chỉ kiếm tiền để sống, vừa hưởng thụ vừa tích lũy, già thì phải dựa vào tiền là chính. Không nên trông ngóng sự báo đáp của con cháu. Đọc và chứng kiến nhiều cảnh đời, tôi càng quyết tâm tự chăm lo cho sức khỏe của mình từ bây giờ và chuẩn bị nguồn tài chính vững chãi để đầu tư cho con, giúp con khi khó khăn. Và an hưởng tuổi già.
Thùy Miên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.