Trong một tháng kể từ ngày đầu ghi nhận lây nhiễm cộng đồng 27/4, Covid-19 lây lan ở 30 tỉnh thành, với gần 3.000 ca, ngày nhiều nhất lên tới 444 ca, gấp hơn ba lần đỉnh của đợt dịch trước. Và làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Ba tỉnh thành ghi nhận số ca Covid-19 cao nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội (bao gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K).
Các biện pháp chống dịch lần này vẫn theo phương châm duy trì mục tiêu kép - sức khỏe và kinh tế - nhưng chuyển sách lược sang tấn công bằng xét nghiệm diện rộng và vaccine. Tỷ lệ người đã tiêm phòng trên dân số hiện ở mức khoảng 1%. Các chuyên gia cho là cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng là 50-70%.
Đến nay ghi nhận 10 ca tử vong liên quan Covid-19, trong đó có một người bệnh trẻ khỏe không có bệnh nền. 80% bệnh nhân xuất chỉ biểu hiện ít triệu chứng, 20% bệnh nhân có thể trở nặng và nhanh chóng diễn biến nặng. Tốc độ trở nặng nhanh là một trong những điểm khác biệt của đợt dịch này so với ba đợt trước.
Thời gian hoành hành của đợt dịch lần này kéo dài hơn. Hồi đầu năm, sau 30 ngày là dịch đã được khống chế trên cả nước, trừ Hải Dương ghi nhận vài ca mỗi ngày đều trong khu vực đã được cách ly, phong tỏa. Lần này, sau một tháng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo số ca nhiễm vẫn còn tiếp tục tăng. Các chuyên gia cũng dự báo dịch không thể kết thúc trước cuối tháng 6.
Covid-19 đã tấn công vào chính các "thành trì" chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bệnh viện Phổi và đa khoa, đồng thời bùng phát các khu công nghiệp nơi tập trung nhiều công nhân.
Tốc độ xuất hiện các ổ dịch mới nhanh
Khởi đầu đợt dịch lần này là chuỗi siêu lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam. Một người nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung tại Đà Nẵng về Hà Nam ghi nhận dương tính nCoV ngày 29/4. Chỉ vài ngày, dịch lây lan cho người ở 4 tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM.
Tiếp đến là chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2 tại Yên Bái, từ đó ghi nhận liên tiếp các ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn này.
Thứ ba là chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc với chùm lây nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc sau khi hết cách ly ở khách sạn Như Nguyệt 2 Yên Bái đã di chuyển nhiều nơi.
Tại Đà Nẵng, ca nhiễm cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch này là "bệnh nhân 2982", nhân viên khách sạn Phú An. 6 ngày sau số ca nhiễm tại Đà Nẵng đã tăng lên 53 với 3 chuỗi lây là khách sạn Phú An, quán bar New Phương Đông, thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA. Chỉ hai ngày sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại thẩm mỹ viện AMIDA, dịch đã lan ra các tỉnh Huế, Quảng Nam, Đăk Lăk. Đến nay nguồn lây nhiễm cho cụm dịch ở Đà Nẵng vẫn chưa được xác định.
Tại Hà Nội, ngày 4/5, chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được phát hiện sau khi một bác sĩ của bệnh viện đi công tác nước ngoài xét nghiệm dương tính nCoV. Bệnh viện phải cách ly y tế đến nay chưa được gỡ cách ly. Đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phát hiện 90 bệnh nhân Covid-19, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở viện.
Từ các ca nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhanh chóng phát hiện thêm 49 ca nhiễm tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Các bệnh nhân, người nhà chăm sóc bệnh nhân từ hai bệnh viện này về địa phương mang theo mầm bệnh đã lây lan cho hàng chục tỉnh thành khác.
Tại Bắc Ninh, Bắc Giang các ổ dịch tại khu công nghiệp có tốc độ lây lan cực mạnh và nhanh. Tại Bắc Giang hiện hai ổ dịch ở Công ty Shin Young và công ty Hosiden Việt Nam, trong các khu công nghiệp, diễn biến phức tạp, với tỷ lệ 55-79% F1 (tiếp xúc gần) chuyển thành F0 (mắc Covid-19). Các chuyên gia đánh giá số ca nhiễm được phát hiện sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới nhờ công tác tổng lực lấy mẫu và xét nghiệm.
Đến trưa 26/5, tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang là 1.481, Bắc Ninh 560.
Các biến chủng nguy hại
Trong số 32 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân ở Đà Nẵng được giải trình tự gene virus, có 30 mẫu nhiễm chủng Anh B.1.1.7 và 2 mẫu nhiễm chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.
Kết quả giải trình tự gene virus các bệnh nhân ở Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM... nhiễm chủ yếu là biến chủng Ấn Độ và một số mẫu nhiễm biến chủng Anh.
Chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ có khả năng lây lan rất mạnh, rất nhanh, rất rộng. Đặc biệt nCoV đang nhân lên với tốc độ nhanh gấp đôi tốc độ trong phòng thí nghiệm và phát tán mầm bệnh rất rộng. Bộ Y tế đánh giá chủng từ Ấn Độ là nguyên nhân xuất hiện lượng ca nhiễm cộng đồng lớn tại Việt Nam trong đợt dịch này.
Biến chủng virus của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong không khí ở môi trường kín. Ngoài ra, bình thường nCoV trong phòng thí nghiệm đến ngày thứ 3-4 mới mọc, trong đợt dịch này chỉ cần 2 ngày đã nhân lên rất nhiều.
Thay đổi chiến thuật chống dịch
Biến chủng từ Ấn Độ có thời gian ủ bệnh lâu nên nhiều trường hợp sau 14 ngày cách ly tập trung mới phát hiện dương tính. Chiều 5/5, Bộ Y tế quyết định tăng thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày, sau đó theo dõi tại nhà 7 ngày.
Do biến chủng Ấn Độ lây nhanh, ngành y tế thay đổi phương thức "chạy theo" xét nghiệm sang "tấn công" bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc.
Để tiến hành chiến lược chống dịch tấn công, Bộ Y tế cho phép áp dụng xét nghiệm kit kháng nguyên nhanh diện rộng. Các cơ sở nguy cơ cao như khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người, đặc biệt là bệnh viện, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thường xuyên nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân trong viện.
Nhờ chiến lược xét nghiệm nhanh, tầm soát diện rộng, nhiều ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện như tại Đà Nẵng, TP HCM... giúp khoanh vùng, kiểm soát dịch.
Hiện Bắc Giang cũng áp dụng chiến lược lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Từ ngày 22 đến 25/5, ngành y tế tỉnh Bắc Giang khoanh vùng các khu công nghiệp, lấy mẫu xét nghiệm rộng công nhân, phát hiện hơn 300 ca dương tính nCoV. Từ ngày 26/5, Bắc Giang bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao, nhằm phát hiện những trường hợp dương tính nCoV nhanh nhất để tách ra khỏi cộng đồng.
Đợt dịch này, các địa phương cũng linh hoạt hơn trong phong tỏa, thiết lập nhiều lớp nhằm đảm bảo khoanh vùng trong khi hạn chế thiệt hại kinh tế. Việc xét nghiệm mẫu gộp - như Đà Nẵng thực hiện - được đánh giá cao về tốc độ và hiệu quả.
Tuy nhiên suốt 30 ngày chống dịch trong thời tiết hè ở miền bắc, nhiều nhân viên y tế ở các tâm dịch phải làm việc liên tục dẫn đến kiệt sức, điều ít thấy ở các đợt dịch trước. Các chuyên gia khuyến cáo cần chiến lược "nuôi quân", chia ca, nghỉ ngơi hợp lý để đánh trận lâu dài.
"Phải phòng chống, dập dịch bằng được ổ dịch ở Bắc Giang", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. "Nếu không làm được là ta thất bại, dịch sẽ lây lan ra các tỉnh thành khác".
Lê Cầm