Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết theo điều động của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, đội phản ứng nhanh gồm nhiều chuyên khoa, do bác sĩ Trần Thanh Linh làm trưởng đoàn.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, từng chi viện nhiều nơi như Gia Lai hồi tháng 2/2021, Đà Nẵng cuối tháng 7/2020, Kiên Giang tháng 4/2021... Anh cũng là một trong những người đóng góp lớn vào quá trình điều trị thành công bệnh nhân phi công người Anh hồi giữa năm ngoái.
Theo bác sĩ Linh, 13 thành viên gồm 6 bác sĩ, 7 điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các khoa Hô hấp, Cấp cứu, Hồi sức - Cấp cứu, Tim mạch, Truyền nhiễm và các khoa cận lâm sàng.
"Tuỳ tình huống của địa phương, chúng tôi sẽ thành lập nhiều ê kíp, làm sao để chia lửa cùng các y bác sĩ nơi tuyến đầu, cùng chung tay đẩy lùi dịch sớm nhất có thể", bác sĩ Linh nói.
Qua kinh nghiệm của các lần chi viện, lần này Chợ Rẫy huy động một lần đầy đủ các bộ phận, "thừa hơn là thiếu". Dự kiến, Chợ Rẫy sẽ cùng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương... phối hợp hỗ trợ về chuyên môn điều trị, hồi sức, xử lý nhanh nhất những trường hợp bệnh nặng, giúp các bệnh nhân sớm hồi phục, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
"Hiện nay hai biến chủng chính gồm biến chủng Anh, Ấn Độ, khả năng lây lan cao, mức độ tổn thương phổi, tình trạng bệnh nhân diễn tiến khó lường", bác sĩ Linh phân tích. Ê kip các bác sĩ đã dự trù các tình huống có thể xảy ra khi điều trị như lọc máu, chạy ECMO, kiểm soát bằng máy thở, sử dụng hệ thống siêu âm, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu...
Theo bác sĩ Linh, người bệnh thường có tâm lý lo lắng, vì trên thế giới ghi nhận số tử vong do bệnh này rất cao. Việc điều trị trong khu cách ly, không có người thân, càng khiến bệnh nhân lo lắng hơn. Nhân viên y tế ngoài chăm sóc, điều trị chuyên môn, cần động viên, gần gũi chia sẻ như người thân, lo từng bữa ăn, hỗ trợ vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân lớn tuổi.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết lần này đội phản ứng nhanh mang theo các vật tư phòng hộ. Khi ra tới nơi, tuỳ tình hình thực tế của địa phương, bệnh viện sẽ có kế hoạch chi viện các trang thiết bị nếu cần.
Từ đầu dịch đến nay, các y bác sĩ Chợ Rẫy thường xuyên chi viện cho các điểm nóng như Hải Dương, Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh, Kiên Giang... Các thành viên luôn chuẩn bị sẵn balo có đầy đủ đồ dùng cá nhân và một số dụng cụ khám chữa bệnh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ điều động đến các địa phương khi cần.
Bắc Giang ngày 26/5 bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao, nhằm phát hiện những trường hợp dương tính nCoV nhanh nhất để tách ra khỏi cộng đồng.
25/5 là ngày Bắc Giang ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, với 375 ca được Bộ Y tế công bố, may mắn là tất cả đều được cách ly, khoanh vùng từ trước, chỉ một số rất ít trong cộng đồng. Các chuyên gia đánh giá số ca nhiễm tại tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới nhờ công tác tổng lực lấy mẫu và xét nghiệm.