Dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với Bắc Giang sáng 18/5, ông Nguyễn Thanh Long nói tốc độ lây nhiễm đợt dịch này cao hơn tất cả các lần trước, biến chủng của Ấn Độ có tần suất lây nhanh hơn biến chủng của Anh, nên "phải chặn thật nhanh". Dịch đã lan ra nhiều khu công nghiệp, một số tỉnh thành ghi nhận ca bệnh xuất phát từ Bắc Giang.
"Khả năng lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn, chưa thể hiện bây giờ nhưng mấy ngày nữa có thể sẽ phát hiện. Bắc Giang sẽ phải phòng dịch song song mặt trận khu công nghiệp và cộng đồng", ông Long nêu rõ và nhắc lại chủ trương chống dịch của Thủ tướng, chuyển từ phòng ngự sang tấn công. "Nhưng nếu không khoanh được ổ dịch thì không tấn công được", ông nói tiếp.
Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã cách ly xã hội huyện Việt Yên - nơi xuất hiện hai ổ dịch và 3 xã của huyện Yên Dũng. Từ sáng nay, bốn khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng và Quang Châu tạm dừng hoạt động.
Bắc Giang cho lấy mẫu 100.000 công nhân trong khu công nghiệp; 200.000 cư dân huyện Việt Yên.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết được trung ương và các tỉnh bạn chi viện, tốc độ lấy mẫu của tỉnh hiện đạt 60.000 mẫu một ngày, song đang tồn đọng 70.000 mẫu lấy rồi nhưng chưa xét nghiệm. Năng lực xét nghiệm hiện tại của CDC Bắc Giang mỗi ngày đạt 1.500 mẫu đơn, tương đương 7.500 mẫu gộp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bắc Giang huy động tổng lực xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên; nếu phát hiện ca dương tính thì làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR, vừa lấy mẫu vừa xét nghiệm nhanh. Ngành y tế địa phương giải tỏa ngay 70.000 mẫu đang tồn đọng, trong chiều 18/5 phải có kết quả.
Bộ Y tế giao Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đai học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm.
Tại cuộc làm việc trực tuyến với đoàn công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bắc Giang sử dụng xét nghiệm PCR mẫu gộp. Những đơn vị có kinh nghiệm, chuyên làm mẫu gộp 10 mẫu đơn, mẫu gộp 20 mẫu đơn đang chi viện cho Bắc Giang phải triển khai ngay, qua đó mới giải tỏa nhanh lượng mẫu chưa xét nghiệm.
Theo ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bắc Giang cũng cần lấy mẫu diện rộng, không dừng lại ở tâm dịch, mà lưu ý cả trong cộng đồng.
Bài học từ Hải Dương trước đây cho thấy, tổng chỉ huy điều phối các khu vực lấy mẫu cũng rất quan trọng, vì vậy, Bộ Y tế đã giao PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, làm tổng chỉ huy về vấn đề xét nghiệm tại Bắc Giang.
Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ thiết lập bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm tổng chỉ huy.
Về cách ly, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tỉnh đang có tới hơn 30.000 F1 trong cơ sở tập trung. Dự kiến thời gian tới, số F0 có thể gia tăng, như vậy F1 cũng tăng tương ứng, nên rất áp lực về khu cách ly tập trung.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quán triệt "cố gắng hết sức để F1 phải cách ly tập trung"; trừ phi không đủ sức thì cách ly tại nhà rất nghiêm ngặt.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bắc Giang rà soát lại các khu nhà ở công nhân, các trường, ký túc xá, tiến hành lắp đặt lập tức camera giám sát từng phòng.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang phải linh hoạt, không nên máy móc, cứng nhắc khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn, trong đó có các khu công nghiệp theo chỉ thị 15 hay chỉ thị 16.
Việc ngừng sản xuất, hoạt động các khu công nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mà trong thời gian công nhân nghỉ việc sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý phòng, chống dịch. Thay vào đó, tỉnh Bắc Giang cần có các biện pháp quản lý thật chặt chẽ, thậm chí xét nghiệm hàng ngày đối với các công ty chưa có ca nhiễm để tiếp tục sản xuất.
Kinh nghiệm của TP Đà Nẵng cho thấy vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất của các nhà máy được đảm bảo an toàn trong khu khu công nghiệp, nhưng nhà máy nào, phân xưởng nào đã khoanh vùng, cách ly, phong toả phải thật chặt chẽ. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang
Về điều trị bệnh nhân Covid-19, lãnh đạo Bắc Giang cho hay tỉnh chuẩn bị khoảng 600 giường tiến tới nâng công suất lên 1.600 giường. Ngành y tế địa phương đang điều trị khoảng 400 bệnh nhân, phân chia thành các khu vực khác nhau. Người bệnh không có triệu chứng điều trị tại bệnh viện dã chiến, khu cách ly phong tỏa nghiêm ngặt có nhân viên y tế theo dõi; nếu xuất hiện diễn biến bất thường, bệnh nhân được chuyển sang khu điều trị cao hơn.
Bộ trưởng Y tế giao Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai thiết lập ít nhất 50 phòng Hồi sức tích cực nhiều cấp độ khác nhau, hoàn thành ngay trong chiều nay tại Bắc Giang. Việc này đảm bảo bệnh nhân nặng được điều trị tại chỗ, không chuyển lên Trung ương và tận dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
Ông Long nhắc tỉnh Bắc Giang cần xây dựng kịch bản 3.000 người nhiễm trên địa bàn. Công suất giường bệnh đảm bảo ít nhất 3.000, gồm bệnh viện dã chiến và khu cách ly y tế, có sự hỗ trợ của quân y, dân y.
Trong sáng nay, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã thăm Bệnh viện Dã chiến số 1 Bắc Giang (trên cơ sở nâng cấp Bệnh viện Nội tiết), nơi đang điều trị 165 bệnh nhân dương tính,137 cán bộ y tế làm việc, chỉ còn 6 giường trống.
Bệnh viện xác định chỉ điều trị bệnh nhân Covid-19 cơ bản, các ca nặng sẽ được chuyển sang điều trị ở nơi khác.
"Đảm bảo dinh dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân và nhân viên y tế, không để lây nhiễm bên trong bệnh viện sẽ rất nguy hiểm", Bộ trưởng Y tế dặn dò lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 1.
Bắc Giang trở thành ổ dịch lớn nhất nước, hiện ghi nhận 411 ca nhiễm, chủ yếu trong các khu công nghiệp thuộc huyện Việt Yên.
Hiện tỉnh này có hai ổ dịch phức tạp. Ổ dịch Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) ghi nhận 190 ca dương tính; ổ dịch Công ty Shin Young (KCN Vân Trung) ghi nhận 210 ca nhiễm. Từ 17/5, dịch đã xuất hiện tại một số công ty thuộc KCN Đình Trám với 5 bệnh nhân, bước đầu xác định liên quan ổ dịch Công ty Hosiden.
Võ Hải - Hoàng Phương