Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết gần hai năm đại dịch hoành hành để lại nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe người dân và nhân viên y tế. Trong đó, nhân viên y tế là lực lượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi tiếp xúc trực tiếp với virus, mầm bệnh. Ngoài nguy cơ phơi nhiễm, họ còn gặp nhiều bất tiện và khó khăn khi làm nhiệm vụ trong thời tiết nắng nóng dẫn đến đói, khát, kiệt sức.
Ngày 12/5, ba nữ điều dưỡng đã ngất xỉu phải cấp cứu khi đang lấy mẫu cho người dân trong vùng dịch tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Họ làm việc liên tục nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, dẫn đến sốc nhiệt, say nắng. Bộ đồ bảo hộ của nhân viên y tế kín, không thoát khí cũng là một nguyên nhân. Ở các địa phương khác như Điện Biên, Bắc Giang... cũng ghi nhận trường hợp tương tự.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, khi làm việc quá sức, nhân viên y tế, đặc biệt là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm dễ "rơi vào vòng nguy hiểm". Sức đề kháng xuống thấp, nguy cơ nhiễm nCoV rất lớn. Thêm vào đó, trong điều kiện không đảm bảo sức khỏe, nhân viên y tế có thể thực hiện sai kỹ thuật lấy mẫu, khiến kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng. Tình huống này nếu xảy ra có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Để giảm tải áp lực công việc và sức lực cho tuyến đầu, phó giáo sư Nga cho rằng, người quản lý cần bố trí nhân lực và thay đổi ca hợp lý, nhất là khi làm việc ngoài trời, như đến ổ dịch để lấy mẫu, xử lý ổ dịch, điều tra truy vết ca lây nhiễm trong cộng đồng... Không để một người làm việc liên tục trong thời gian dài mà phải luân phiên nghỉ ngơi, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe.
Trong ca làm việc, người lấy mẫu, nhập liệu - dán nhãn ống mẫu có thể ngồi, còn người phết dịch hầu họng sẽ phải đứng. Do đó, bác sĩ Khanh khuyên người đứng phết mẫu mỗi tiếng đổi vị trí cho đồng nghiệp một lần, nếu mệt, để cùng san sẻ khối lượng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh đặc biệt lưu ý, các địa phương nên chủ động mở rộng, đào tạo kỹ năng lấy mẫu cho nguồn nhân lực tại chỗ. Gồm, sinh viên y khoa, điều dưỡng, bác sĩ, kỹ thuật viên các khoa khác (ngoài chuyên ngành Truyền Nhiễm) để có người thay thế ngay khi cần. Đây là cách duy nhất giúp giảm tải bền vững cho lực lượng lấy mẫu. Nguồn chi viện nhân sự từ các tỉnh, thành khác cũng là một giải pháp, song có tính chất tạm thời.
Kinh nghiệm "nuôi quân", dưỡng sức
Lấy dẫn chứng TP HCM, bác sĩ Khanh cho biết, Sở Y tế TP HCM quy định tại các cơ sở y tế, cứ mỗi 50 giường bệnh phải có một tổ lấy mẫu Covid-19, gồm ba người. Đến nay, TP HCM có hơn 600 đội lấy mẫu từ các bệnh viện, trung tâm y tế và lực lượng sinh viên y khoa. Trong tình huống khẩn cấp có thể huy động lấy 100.000 mẫu bệnh phẩm trong 24 giờ.
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tất cả hơn 300 bác sĩ, tại tất cả các khoa phòng đã hoàn tất khóa tập huấn lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Bệnh viện đang đào tạo thêm cho điều dưỡng, sẵn sàng tham chiến khi được huy động.
"Kỹ thuật lấy mẫu không quá khó, chỉ cần đào tạo trong hai buổi đã có thể thực hành trơn tru. Quan trọng hơn là hướng dẫn nhân viên y tế phòng hộ an toàn khi thực hiện nhiệm vụ", bác sĩ Khanh nói.
Bản thân nhân viên y tế cũng cần giữ gìn, chăm sóc bản thân, có kỹ năng để ứng phó trước bất lợi thời tiết. Các chuyên gia lưu ý, không tự ý cởi trang phục bảo hộ vì quá mệt, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.
"Đồ bảo hộ chỉ mặc một lần, khi cởi ra phải vứt bỏ đúng nơi quy định", ông Nga nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hoàng Thiện Tâm chia sẻ, ngoài việc điều động nhân sự và bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý, động viên tinh thần anh chị em, lãnh đạo trung tâm cố gắng cân đối quỹ phúc lợi của đơn vị, trích ra một phần để thưởng cho lực lượng chống dịch. Tuy nhiên, nguồn quỹ này của trung tâm không nhiều, phụ thuộc vào nguồn thu của đơn vị. Do đó, chỉ có thể chi ngắn hạn cho các đợt cao điểm mà lượng mẫu phải lấy lớn, như trong và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5, người dân về thành phố đông.
Là người điều phối nhân sự và cũng trực tiếp đến hiện trường lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm nCoV trong 4 đợt dịch, anh Đoàn Văn Công, điều hành khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, cho biết, tình trạng quá tải, kiệt sức là khó tránh khỏi.
Rút kinh nghiệm qua các đợt dịch, anh và đồng nghiệp tìm ra cách để tự điều chỉnh, cân bằng sức lực. Thay vì dồn tất cả nhân viên đi lấy mẫu cùng một lúc, anh chia nhân sự thành nhiều đội. Trong đó có hai đội lấy mẫu chủ lực. Một đội khác dự phòng, luôn sẵn sàng chi viện.
Đồng thời, tại hiện trường, anh quan sát kỹ đồng nghiệp, nếu thấy ai có dấu hiệu xuống sức, chóng mặt, khát nước, sẽ cho họ nghỉ giải lao ngay. Hiểu cảm giác khô cổ mệt mỏi, không muốn ăn, anh động viên đồng nghiệp ăn những món mềm, có nước như cháo, bún, phở, hoặc có thể dùng sữa dinh dưỡng để nạp năng lượng nhanh. Đặc biệt, anh khuyến khích mọi người ngủ nhiều nhất có thể, dù chỉ 10-15 phút giữa các quãng nghỉ ngắn để mau lại sức và tỉnh táo.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi làm việc, mọi người cần uống nước đủ nước, bổ sung thêm chất khoáng, vitamin như nước chanh, nước cam hoặc nước đỗ đen rang, nước vối... Chế độ ăn của người lao động cần giảm chất béo, đảm bảo đủ chất đạm, phải bổ sung nhiều rau củ quả, chất xơ.
Ngoài ra, tất cả nhân viên y tế đều phải được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trong điều kiện nắng nóng, huấn luyện cấp cứu khi bị say nóng, say nắng. Khi có người bị say nắng cần đưa vào chỗ mát, cởi bỏ quần áo bảo hộ, cho uống nước mát, chườm đá. Trường hợp nặng phải chuyển nhanh nạn nhân vào cấp cứu tại bệnh viện. Khu vực nghỉ cần thoáng mát, thông gió tốt.
"Cuộc chiến còn dài và nhân viên y tế là lực lượng quan trọng nên càng cần nghỉ ngơi, hỗ trợ và tiếp sức cho nhau, chung tay đẩy lùi đại dịch", phó giáo sư Nga nhấn mạnh.
Thư Anh - Thùy An