Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội. Ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cho rằng, ngoài phục hồi kinh tế, Chính phủ cũng cần giải quyết những tồn đọng lớn đang gây bức xúc như các dự án yếu kém hàng nghìn tỷ đồng "đắp chiếu, trùm mềm".
"Không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền càng đắp chiếu nằm đấy càng mất, càng thất bại, mất lao động, mất cả cán bộ và mất rất nhiều thứ", ông nói.
Ông Thuận Hữu cũng dẫn chứng dự án nhiệt điện Thái Bình 2, đường sắt Cát Linh - Hà Đông như là những dự án "nhức nhối nhất" khi đã đầu tư rất nhiều tiền nhưng tới giờ vẫn chưa xong, chưa thể vận hành.
"Tính thiệt hại thì mỗi ngày mở mắt ra mất một chiếc Toyota Camry. Như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, giờ tổng thầu 'đòi' 50 triệu USD để vận hành là 'nhát dao chém vào lòng tin của người dân", ông Thuận Hữu nói thêm.
Đại biểu TP Hải Phòng đánh giá, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu "không xử lý nhanh sẽ biến thành bảo tàng đường sắt". Ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xử lý dứt điểm, không để kéo dài vì càng lâu càng thiệt hại.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Việt - uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho rằng, xử lý dứt điểm các dự án đắp chiếu là vấn đề khó. Quốc hội khoá XV, XVI có khi vẫn nhắc đến chuyện này.
Bên cạnh đó, ông băn khoăn sức ì, tính dám làm, dám chịu trách nhiệm trong bộ máy các cấp chưa nhiều và còn "lỗ hổng" quá lớn về cơ chế chính sách, chấp hành pháp luật.
Chia sẻ với các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, "không phải dễ dàng giải quyết ngay" các dự án này.
Như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, vấn đề quan trọng nhất là an toàn thì phía đối tác không bàn giao hồ sơ an toàn. Các bên cũng đã thảo luận qua lại, gần đây cũng có một số phái đoàn Bắc Kinh tới và ông hy vọng hai bên có thể bàn dứt điểm. "Cố gắng trước Đại hội Đảng có thể chạy được thì may mắn", ông nói.
Với 12 dự án thua lỗ ngành công thương, ông thừa nhận đây là khuyết điểm bởi "chúng ta chưa có kinh nghiệm về kinh tế thị trường" và "cùng phải chịu trách nhiệm chuyện này".
Khó tin những dự án này có thể khắc phục được để vận hành bình thường, phát huy hiệu quả, ông cho rằng khi làm 12 dự án không thể không có khuyết điểm. "Có mặt không đúng, nhưng có mặt chấp nhận ở thời điểm ấy để có thể khắc phục từng bước", ông nói
Với tồn tại ở dự án lọc dầu Nghi Sơn, ông nhắc lại, Chính phủ đã giải thích trong lúc khó khăn, việc kêu gọi đầu tư là vì cái chung, chấp nhận thua thiệt nhưng có được cơ sở năng lượng cho đất nước.
"Nói chuyện đó để thấy thông cảm với lịch sử, hoàn cảnh lúc đó khát khao đầu tư làm ăn, trong khi Thanh Hoá xa xôi, hẻo lánh không có nhà đầu tư vào thì cũng phải làm. Bây giờ có khuyết điểm thì phải sửa, thậm chí có đồng chí bị xử lý kỷ luật nhưng chúng ta phải khắc phục", ông nói.
Với việc gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý, Thủ tướng gọi đây là "cái giá phải trả không ít" để khẳng định Đảng nghiêm túc, Chính phủ nhìn thẳng sự thật, Quốc hội nhìn thấy tất cả vấn đề này để yêu cầu xử lý tốt hơn, nhanh hơn, đảm bảo hệ thống an toàn.
Anh Minh - Viết Tuân