Sáng 1/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Hà Nội.
Tại dự thảo Nghị quyết lần này, Hà Nội đề nghị bổ sung 3 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có một nội dung muốn giữ lại toàn bộ số thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu.
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tổng tài sản cổ phần hoá doanh nghiệp còn khoảng 25.000 tỷ đồng theo giá trị vốn. Quá trình cổ phần hoá vừa rồi, thành phố thu được 11.000 tỷ đồng và đều giữ lại, không nộp về quỹ tài chính của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Theo Chủ tịch Hà Nội, thành phố xin giữ lại số tiền trên để xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị, gồm ga Hà Nội - Hoàng Mai trị giá 40.000 tỷ đồng và tuyến số 5 Văn Cao - Hoà Lạc 66.000 tỷ. Hai dự án này dự kiến được Hà Nội trình Quốc hội vào tháng 10 tới.
"Cả 2 dự án xây dựng hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội. Một là lấy từ nguồn cổ phần hóa. Hai là vốn từ ngân sách thành phố trong 5 năm qua khoảng 15.000 tỷ đồng và từ nguồn phát hành trái phiếu", ông Chung nêu.
Uỷ ban Tài chính ngân sách đồng ý đề xuất của Chính phủ trong việc cho phép Hà Nội giữ lại 100% tiền từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp do thành phố sở hữu. Nhưng cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát lại một số văn bản quy định về việc sử dụng nguồn thu trên để thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước.
Góp ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý việc cho Hà Nội giữ lại khoản tiền từ cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp mà thành phố sở hữu. Theo bà Ngân, việc chuyển số tiền thu được này về SCIC là vô lý.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình, nhưng ông lưu ý thành phố dùng số tiền này vào việc gì phải do HĐND quyết định. Ngoài ra, nếu các dự án đầu tư thuộc công trình trọng điểm, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải xin ý kiến Quốc hội.
Anh Minh