Việc Bộ Y Tế cho kiểm tra, rà soát và quy định chặt chẽ việc chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng trong chẩn đoán, điều trị là một tín hiệu đáng mừng, không chỉ làm giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh, mà còn giúp người bệnh không "xa lánh" bệnh viện. Bởi thực tế hiện nay, có rất nhiều điều tiêu cực bủa vây người bệnh. Bản thân tôi là một bác sĩ cũng nhận ra những bất cập trong khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người bệnh, nhất là người bệnh mãn tính phải rất chật vật khổ sở mới đủ tiền để trả tiền thuốc và viện phí. Vậy nhưng, nỗi khổ còn tăng lên nhiều lần khi họ phải gánh thêm hàng tá xét nghiệm cận lâm sàng.
Cầm trên tay hóa đơn thanh toán viện phí của khách hàng mà tôi không khỏi bức xúc trước những quyết định thiếu nhân văn của một vài đồng nghiệp, khi họ cho bệnh nhân làm quá nhiều chỉ định cận lâm sàng vô thưởng vô phạt, khiến chi phí tăng cao. Nhiều bệnh nhân sau khi đóng tiền xét nghiệm (trong đó có nhiều xét nghiệm chỉ mang tính hình thức, không cần thiết...) đã không còn tiền để mua thuốc.
Một bệnh nhân vừa tán sỏi qua da đã đưa cho tôi xem tờ khai chi tiết thanh toán viện phí. Giữa hàng trăm mục phải trả như chụp X-quang bụng, chụp KUB, siêu âm bụng, tôi ngạc nhiên thấy họ phải trả thêm các chi phí để làm các xét nghiệm mà tôi thấy không cần thiết như xét nghiệm miễn dịch HbsAg, anti-HCV, CT scan...
>> Mệt mỏi vì mỗi lần đi khám ung thư phải xin giấy chuyển viện
Một bệnh nhân khác bị viêm ruột thừa, được chỉ định mổ cấp cứu, nhưng bác sĩ cũng chỉ định làm các xét nghiệm tầm soát từ Covid-19, cúm, sốt xuất huyết, xét nghiệm CRP, xét nghiệm Procalcitonin, miễn dịch HbsAg (viêm gan B), anti-HCV ... Đọc bản chi phí đính kèm, tôi có cảm tưởng tất cả xét nghiệm có thể làm đều được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân, khiến chi phí của một ca mổ ruột thừa lên đến hơn 35 triệu đồng.
Cầm trên tay hóa đơn thanh toán tiền khám bệnh viêm họng của con, một người phụ nữ rơi nước mắt khi số tiền phải trả lên tới hơn nửa tháng lương. Thấy thái độ bần thần của chị, tôi mượn hóa đơn để xem thì té ngửa khi tiền khám và tiền thuốc chỉ hết mấy trăm ngàn đồng, nhưng tiền xét nghiệm lại hơn năm triệu. Trong đó, tiền CT scan gần hai triệu, nội soi tai mũi họng gần một triệu, tiền xét nghiệm máu. Trong đó, có những xét nghiệm mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới một bệnh nhân viêm họng cần làm như: xét nghiệm CRP, xét nghiệm Procalcitonin, xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, chức năng giáp... mất gần hai triệu nữa.
Một người bạn tâm sự với tôi: "Do có mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của một công ty bảo hiểm nhân thọ, nên cần phải có chứng từ khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh". Vì vậy, tháng nào bạn cũng ghé bệnh viện gần nhà lấy thuốc tăng huyết áp. Tuy có kết quả khám sức khỏe định kỳ bình thường, nhưng thỉnh thoảng bạn vẫn được bác sĩ yêu cầu làm lại các xét nghiệm. Khi bạn thắc mắc thì bác sĩ giải thích: "Thấy anh tháng nào cũng khám mà không khi nào làm xét nghiệm, hơn nữa lâu lâu xét nghiệm cũng tốt mà, với lại anh có bảo hiểm thì có tốn gì đâu mà không làm".
Nể tình bác sĩ, bạn đồng ý, nhưng khi mang hồ sơ khám bệnh đến yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả tiền khám chữa bệnh "tắc tĩnh mạch chi dưới" thì công ty đã không chi trả những chi phí xét nghiệm Fibrinogen, Triglycerid, TSH, CK, HDL, Axit uric, PT, FT4, TCK, Troponin T, Cholesterol, CRP, siêu âm tuyến giáp, siêu âm tim màng tim, xét nghiệm beta2-Glycopretein IgG, phát hiện kháng đông lupus, khẳng định kháng đông lupus Cardiolipin IgG, LDL, Cardiolipin IgM, beta2-Glycopretein IgM, anti ANA... vì không liên quan đến chẩn đoán bệnh và không thực sự cần thiết về mặt y khoa.
Trao đổi với một số đồng nghiệp của tôi, hầu hết đều nói rằng: "Không thể nói các xét nghiệm đó là vô ích hay lạm dụng, vì mỗi bệnh nhân có một bệnh cảnh, khi họ ra viện rồi thì thấy họ khỏe mạnh bình thường, nhưng cách đây mấy ngày, ai biết được tình cảnh họ ra sao? Cần làm những xét nghiệm gì? Vì vậy có thanh tra, kiểm tra thì cũng khó mà kết luận". Tuy nói vậy, nhưng mọi người đều đồng ý rằng khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa, mà phải mất thời gian làm CT scan hay xét nghiệm tầm soát là quá đáng.
Lạm dụng xét nghiệm không chỉ làm cho người bệnh thêm thống khổ, mà còn làm cho họ "sợ và tránh xa bệnh viện", chỉ lên mạng mua thuốc, điều trị theo cách "lang băm" để tránh tốn tiền xét nghiệm. Việc điều trị thiếu khoa học này không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh toàn dân mà còn làm cho tình trạng bệnh tật ngày càng trầm trọng. Nguy hiểm hơn, nó làm tăng tỷ lệ kháng thuốc trong cộng đồng.
Việc khám chữa bệnh khoa học, dù đang được xã hội cổ vũ, nhưng vẫn chưa trở thành phổ biến một phần cũng là do một số bác sĩ lạm dụng chỉ định xét nghiệm, khiến người bệnh quay lưng với bệnh viện.
Hoang Long
- 'Cò' bệnh viện cướp chỗ bệnh nhân
- Bác sĩ hỏi ba câu ra đơn thuốc
- Bác sĩ khám bệnh kiểu 'đọc phim kê đơn thuốc'
- Bác sĩ viện công xem tôi như khách hàng
- Bác sĩ khám bệnh qua loa
- 'Năm lần bảy lượt tăng xông vì thái độ của bác sĩ'