Trả lời:
Miễn dịch cộng đồng là khi hầu hết mọi người trong cộng đồng đã có miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh trước đó). Khi một số lượng nhất định dân số có miễn dịch, chu trình lây nhiễm bị phá vỡ, virus không truyền dễ dàng từ người này sang người khác nữa. Nhờ vậy chuỗi lây nhiễm bệnh chậm hoặc dừng lại.
Quan điểm "tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách cho virus lây truyền tự nhiên" là hoàn toàn sai lầm. Bởi, để virus tự do phát triển dẫn đến hậu quả rất nhiều người mắc bệnh và tử vong, làm tăng gánh nặng y tế và thảm hoạ diệt chủng do dịch bệnh như những thế kỉ trước đây. Miễn dịch cộng đồng tự nhiên chắc chắn không phải là chiến lược và lựa chọn đúng đắn đối với bệnh Covid-19. Tiêm vaccine phòng Covid-19 là cách tốt nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Nếu có miễn dịch cộng đồng thì chúng ta sẽ bảo vệ được những người không thể tiêm vaccine, những người nhạy cảm với bệnh và dễ tử vong, như trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch yếu. Càng nhiều người được tiêm vaccine Covid-19, càng ít người bị bệnh và càng bảo vệ thêm được nhiều người trong cộng đồng.
Tùy vào mục tiêu và mô hình bệnh tật của từng quốc gia mà độ bao phủ của vaccine cần đạt được từ 70-95% dân số để có được miễn dịch cộng đồng (nghĩa là số người dân ở nước đó được tiêm vaccine đạt tối thiểu từ 70-95% trong tổng dân số), khiến virus không còn có thể lây lan đáng kể cho số người còn lại chưa tiêm.
Đối với những bệnh lý đã được khống chế bởi vaccine (sởi, bạch hầu, thủy đậu...) thì miễn dịch cộng đồng kéo dài khi độ bao phủ vaccine duy trì đủ lớn.
Đối với đại dịch Covid-19, ngoài độ bao phủ của vaccine thì hiệu lực vaccine với những biến thể khác nhau của virus cũng ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Một số chuyên gia trên thế giới cho rằng khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng sớm hiện nay do biến chủng mới Delta của nCoV có thể lây nhiễm trong cả người đã được tiêm chủng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM