Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, nhà nghiên cứu dịch tễ học, Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Đại học Sydney, Australia, cho biết để cuộc sống quay trở về như trước phụ thuộc vào việc chúng ta có đạt được miễn dịch cộng đồng không và duy trì được miễn dịch đó trong bao lâu.
"Miễn dịch cộng đồng không tồn tại mãi mãi", tiến sĩ nhấn mạnh.
Vaccine Covid-19 cần được triển khai tiêm cho nhiều người và tiêm nhanh để virus không kịp biến chủng. Nếu trong 100 người, chỉ một người được tiêm vaccine, 99 người còn lại vẫn bị nhiễm virus. Khi đó, virus sẽ sinh sôi, biến chủng, rất có thể chủng đó dễ lây hơn và có độc lực mạnh hơn, thậm chí lẩn tránh sự bảo vệ từ vaccine hiện hành. Khi đó, kháng thể sinh ra khi được tiêm vaccine có thể không còn đặc hiệu, hay nói cách khác là không còn tác dụng với biến chủng mới, nên người được tiêm vẫn có thể nhiễm virus và mắc bệnh.
Kể cả khi đã tiêm nhanh cho 80 trong số 100 người, chúng ta vẫn có thể không đạt miễn dịch cộng đồng nếu họ được tiêm vaccine có hiệu quả không cao. Ví dụ, vaccine chỉ bảo vệ được 40 (trong số 80 người được tiêm), thì 60 người còn lại cũng đủ để virus phát tán, biến chủng. Do đó, tiến sĩ Anh nhấn mạnh, cần lựa chọn vaccine có hiệu quả cao để đạt được mức miễn dịch cộng đồng tốt nhất.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Thu Anh, kể cả khi 70-80% dân số đã được tiêm vaccine hiệu quả, đã đạt được miễn dịch cộng đồng thì vẫn chưa thể yên tâm, vì giới khoa học hiện vẫn chưa rõ hiệu quả của vaccine duy trì được bao lâu. Do đó cần phải tuân thủ 5K và tiêm mũi nhắc lại đúng lịch mỗi năm để duy trì miễn dịch cộng đồng.
Theo tiến sĩ Thu Anh, để đạt được điều này, Việt Nam cần tự chủ về vaccine và có chiến lược dài hơi.
Việc tự chủ vaccine có thể thực hiện bằng cách đầu tư cho nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa theo công nghệ mới không chỉ cho Covid-19 mà còn các dịch bệnh khác trong tương lai; đầu tư để tiếp nhận chuyển giao và sản xuất vaccine công nghệ mới; tìm kiếm nguồn cung vaccine đã được phê duyệt; tìm kiếm, theo dõi và đặt hàng các ứng viên vaccine tiềm năng mà ít quốc gia để ý đặt hàng.
Xây dựng một kế hoạch tiêm chủng nhanh, an toàn, ưu tiên cho các cá thể dễ bị nhiễm và tử vong; linh hoạt đáp ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình dịch và các chủng virus lưu hành trên thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với VnExpress tối 17/6, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết "Việt Nam đặt mục tiêu đến hết tháng 12 năm nay sẽ cố gắng chủng ngừa 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng".
Tổng lượng vaccine về Việt Nam đến cuối năm khoảng 120-150 triệu liều. Mỗi tháng trung bình về 10-30 triệu liều.
Bộ Y tế đang đề xuất chính phủ thành lập ban chỉ đạo tiêm chủng vaccine với đại diện Bộ, ban ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông với 6 tiểu ban. Gồm: vận chuyển, tiêm chủng, an toàn tiêm chủng, giám sát, thông tin truyền thông, và văn phòng thường trực ban để vaccine nhận về sẽ chuyển nhanh chóng tới điểm tiêm để triển khai tiêm an toàn hiệu quả.
Ngoài ra, theo ông Thuấn, Việt Nam cũng sẽ nỗ lực để tự chủ về vaccine trong năm 2022.
Lê Cầm